Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi năm 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã có chia sẻ với báo chí vào sáng 1/8/2024.
Luật KH&CN 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các quy định về ĐMST đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật KH&CN 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ. Vậy, Dự thảo luật mới sẽ quy định về nội dung ĐMST như thế nào, và liệu có một chính sách riêng biệt về ĐMST trong Luật không? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: Luật KH&CN 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy KH&CN trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của KH&CN và sự bùng nổ của công nghệ số. Với xu thế này, Luật KH&CN cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tăng cường việc huy động nguồn đầu tư, sự quan tâm và nguồn nhân lực từ khu vực doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT), để theo kịp xu thế chung của thế giới. Để thúc đẩy hoạt động ĐMST, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác. Ví dụ như các quỹ đầu tư tài chính, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trung gian, các dịch vụ tài chính, các tổ chức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt ĐMST. Ngoài việc ứng dụng công nghệ, ĐMST còn yêu cầu phải thay đổi quy trình quản lý, sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ việc mua sắm dây chuyền máy móc công nghệ mới mà không thay đổi các yếu tố khác sẽ không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Hoạt động ĐMST cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh. Do đó, các đề tài nghiên cứu nên được đặt hàng từ các bộ phận sản xuất kinh doanh, tức là từ doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào các nhà khoa học tự đề xuất.
Luật KH&CN lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai, bằng cách cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST.
Luật KH&CN sửa đổi sẽ đưa ra những giải pháp để tăng cường nguồn nhân lực NC&PT, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, để phát triển dựa trên KHCN&ĐMST, bình quân số cán bộ nghiên cứu (FTE) trên dân số phải ở mức cao, bình quân như ở các nước EU và Hoa Kỳ là trên 40 cán bộ nghiên cứu (FTE)/vạn dân, Hàn Quốc (gần 80/vạn dân và Sinhgapore (hơn 70/vạn dân)… Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam mới đạt khoảng 8 cán bộ nghiên cứu FTE/vạn dân. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ NC&PT cũng như nâng cao mức đầu tư xã hội, cần phải thực hiện các cải cách toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động NC&PT vào trong Luật. Để tăng cường đầu tư cho KH&CN, các quốc gia phát triển đã tìm cách nâng cao tỷ lệ đầu tư từ xã hội. Thông thường, tỷ lệ đầu tư từ nhà nước sẽ giảm từ mức 100% xuống còn khoảng 30%, trong khi tỷ lệ đầu tư từ xã hội sẽ tăng lên khoảng 70%.
Trong Luật KH&CN, dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội nhằm mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu. Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, khu vực tư nhân, nhất là từ doanh nghiệp vào KH&CN. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm NC&PT, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ NC&PT trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không thể kỳ vọng rằng doanh nghiệp sẽ ngay lập tức đầu tư vào KH&CN bởi đầu tư vào KH&CN thường mang tính rủi ro và không ngay lập tức đem lại lợi nhuận, trong khi mục tiêu chính của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận và duy trì sự tồn tại. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ một số tập đoàn lớn, chưa có động lực hoặc sự sẵn sàng để đầu tư vào KH&CN do lo ngại lợi ích từ đầu tư này sẽ chỉ thu được trong một khoảng thời gian dài, chứ không phải ngay lập tức. Vì vậy, Luật KH&CN lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp. Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn. Thứ trưởng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, Luật KH&CN cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động NC&PT của toàn xã hội vào trong Luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.
Việc sửa đổi Luật KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm và viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vậy, những chính sách nào sẽ được đề xuất trong Luật sửa đổi sắp tới để hỗ trợ các đối tượng này? Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: trong các đề xuất sửa đổi Luật KH&CN đã đưa ra một nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH&CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động, và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm xuất sắc về KH&CN, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Ngoài vấn đề về quỹ, cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN hiện còn nhiều bất cập và chưa phù hợp giữa quy định của Luật KH&CN với pháp luật về tài chính, bao gồm các lĩnh vực như đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công. Về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống pháp luật, bao gồm nhiều luật liên quan, không chỉ giới hạn trong Luật KH&CN. Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống cũng như chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư vào KH&CN. Nguyên nhân là do vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa pháp luật về KH&CN và pháp luật về tài chính. Việc đầu tiên cần giải quyết là làm thế nào để đồng bộ các quy định của Luật KH&CN với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này. Vấn đề thứ hai là, khi đã có đầu tư và nguồn lực, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, thông thoáng và nhanh chóng. Để đạt được điều này, ngành KH&CN cần phải sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ KH&CN, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính... Mục tiêu là để công khai, minh bạch, từ đó chọn lựa những đề tài và nhiệm vụ tốt nhất một cách nhanh chóng và thuận lợi. Thêm vào đó, cần phải điều chỉnh các quy định về mua sắm và đấu thầu khi sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ, bao gồm cả kinh phí đầu tư công của Nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề mới, công nghệ lõi, và thậm chí mua các kết quả nghiên cứu và sáng chế từ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp để họ có thể sử dụng và phát triển. Một vấn đề quan trọng khác là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua các biện pháp cụ thể. Để làm được điều đó, trước tiên, cần tập huấn và đào tạo nhân lực về chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ. Đồng thời, cần đưa các nhà khoa học vào doanh nghiệp để hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Khi cải tiến được máy móc, họ sẽ có khả năng NC&PT công nghệ mới.
Hiện nay, việc tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu tư tài chính và nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn. Các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, với việc thu chi và báo cáo thường xuyên. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực KH&CN thường có nhiều rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, những vấn đề mới phát sinh không thể được giải quyết ngay lập tức mà cần sự đồng thuận từ tất cả các lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực đều mong muốn hoàn thành trách nhiệm của mình và chia sẻ với những người làm công tác tài chính, để từ đó họ có thể hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả. Họ chắc chắn mong muốn ngân sách được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, đúng đắn, không thất thoát hay lãng phí, và không để tồn đọng kinh phí. Do đó, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động KH&CN với những yêu cầu này. Đây là một trong những nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên. Cũng cần đề xuất trong Luật các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả KH&CN. Ví dụ, những kết quả đã được công bố rộng rãi và trở thành tri thức của nhân loại không thể coi là tài sản riêng được. Thứ trưởng tin rằng việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật KH&CN cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động KHCN&ĐMST.
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc tế