Ở Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê, tuy nhiên diện tích và sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, gấp nhiều lần mức bình quân của các tỉnh khác. Ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến với vị thế là thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Về công tác quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý (CDĐL): Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm cà phê nhân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND Ngày 30/6/2010 về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột cho cà phê nhân Robusta; Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta. Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền quản lý CDĐL đã ban hành Quy định quản lý bên ngoài đối với sản phẩm cà phê Robusta mang CDĐL “Buôn Ma Thuột”. Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục TCĐLCL thuộc Sở KH&CN) thực hiện nhiệm vụ kiểm soát bên ngoài do Sở KH&CN phân công, chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối hoạt động liên quan đến kiểm tra, kiểm soát bên ngoài sản phẩm cà phê mang CDĐL “Buôn Ma Thuột”. Các hoạt động thẩm định hồ sơ đăng ký sử dụng CDĐL, kiểm tra, kiểm soát chất lượng đã bước đầu được tổ chức thực hiện. Đến nay, đã có 12 tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) được cấp quyền sử dụng CDĐL cho sản phẩm cà phê nhân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động quản lý, kiểm soát và sử dụng CDĐL cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể như sau:
1. Sản phẩm được bảo hộ là sản phẩm cà phê nhân, trong khi cà phê nhân chỉ là sản phẩm nguyên liệu, ít có nhu cầu sử dụng bao bì, dấu hiệu CDĐL trong thương mại.
2. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột chưa đủ mạnh trên thị trường xuất khẩu.
3. Việc tổ chức quản lý và phát triển CDĐL còn nhiều hạn chế: hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước mang tính kiêm nhiệm, thiếu công cụ pháp lý, nhân lực và kinh phí hoạt động. Nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân về phát triển CDĐL còn hạn chế.
Để giải quyết một phần những vướng mắc nêu trên, ThS. Phạm Thế Bảo đã phối hợp với các cộng sự tại Trung tâm phát triển nông thôn thực hiện đề tài: “Sửa đổi mở rộng phạm vi bảo hộ và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột” từ năm 2019 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá quá trình tổ chức quản lý CDĐL, hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại cà phê Buôn Ma Thuột để xây dựng nội dung, phạm vi điều chỉnh hồ sơ đăng ký CDĐL và định hướng tổ chức mô hình; xây dựng được hồ sơ đăng ký sửa đổi CDĐL Buôn Ma Thuột cho các sản phẩm cà phê đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn, và được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ; sửa đổi và hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột làm cơ sở để tổ chức quản lý, kiểm soát CDĐL; và hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý, kiểm soát CDĐL theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mang CDĐL
Sau một thời gian triển khai, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột đã được sửa đổi theo Quyết định số 939/QĐ-SHTT ngày 5/4/2021 của Cục SHTT về việc sửa đổi, mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê (Cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê hòa tan nguyên chất).
Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành theo Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021. Quy chế này thay thế cho các Quy chế đã được ban hành trước đây dành cho sản phẩm cà phê nhân.
Quy chế kiểm soát CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được Sở KH&CN ban hành theo Quyết định số 207/QĐ-SKHCN ngày 15/11/2021.
Quy chế kiểm soát nội bộ CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột (đối với sản phẩm cà phê nhân) được Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (HHCPBMT) ban hành theo Quyết định số 38/QĐ-HHCPBMT ngày 11/11/2021.
Quy chế kiểm soát nội bộ CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột (đối với sản phẩm cà phê chế biến) được HHCPBMT ban hành theo Quyết định số 39/QĐHHCPBMT ngày 11/11/2021.
Các văn bản được ban hành nhằm áp dụng việc quản lý, sử dụng và kiểm soát sản phẩm mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột, giúp cho sản phẩm của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng không bị giảm chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20089/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn: N.P.D (NASATI)