Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Toronto, Canada do GS. Gisele Azimi dẫn đầu, đã đi tiên phong trong việc đưa ra phương pháp tách các kim loại quý hiếm khỏi chất thải điện tử như pin và vật liệu tuabin gió. Theo GS. Azimi, đây là những vật liệu cần thiết để chuyển đổi xã hội sang kỷ nguyên không phát thải cacbon. Tuy nhiên, các nguồn cung cấp vật liệu này lại có hạn.

 

Tái chế chất thải điện tử mở ra một con đường hiệu quả để thu được những nguồn tài nguyên quý giá này với tỷ lệ từ 20 đến 38%. Quặng được khai thác bằng phương pháp truyền thống thường chỉ chứa 1 đến 2% hàm lượng kim loại đất hiếm. Đầu tư quốc tế cho hoạt động tái chế đang tăng lên khi năng lực và công nghệ tái chế thiết bị điện tử được cải thiện.

Kỹ thuật tái chế mới liên quan đến việc đốt nóng và tạo áp suất CO2, biến nó thành chất lỏng siêu tới hạn. Ở trạng thái này, nó có thể được sử dụng để hòa tan và chiết xuất các kim loại quý hiếm từ môi trường xung quanh. Ưu điểm lớn của CO­2 là không cần làm nóng quá mức mà chỉ ở mức nhiệt khoảng 30oC để bắt đầu quá trình chuyển đổi này.

Nhóm nghiên cứu đã chiết xuất được kim loại quý hiếm từ pin ô tô, nam châm tua-bin gió, bóng đèn huỳnh quang và nhiều vật dụng khác, và hiện đang tiếp tục vượt qua ranh giới của phương pháp mới tái chế không phát thải cacbon. Các nhà khoa học đang phối hợp với các đối tác trong ngành để thử nghiệm kỹ thuật này, đồng thời đặt mục tiêu thu hồi vàng và đồng từ bảng mạch. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Inorganic Chemistry.

Nguồn: Từ trang web::vista .gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc gia