Nghiên cứu sinh tiến sĩ Trần Thị Như Thảo và cộng sự Viện Virus và Miễn dịch học, Đại học Bern, Thụy Sĩ đã phát triển một mô hình tổng hợp gene dựa trên nấm men có khả năng tái tạo nhanh chóng cấu trúc của các loại virus RNA khác nhau, bao gồm nCoV, giúp nhà khoa học phản ứng kịp thời với virus mới. Nhờ kỹ thuật này, cấu trúc nCoV được tổng hợp và tái tạo chỉ trong một tuần.

Thông thường, kích thước bộ gene của virus RNA thường khá lớn, như bộ gene của nCoV lên tới 26.000-32.000 cặp bazơ, nên khó để thao tác và nhân bản ổn định trong khuẩn E.coli. Vì vậy, nhóm nghiên cứu phát triển một mô hình tổng hợp gene mới dựa trên nấm men có lợi Sacccharomyces cerevisiae. Loại tế bào nấm men này có khả năng lắp ráp các đoạn DNA thành một phân tử lớn, thay vì phải tái cấu trúc DNA của nCoV, chỉ cần đặt các phần trong bộ gene của nCoV vào tế bào nấm men, các phần gene sẽ được tổng hợp lại.  

Giống như kí sinh trùng, virus phụ thuộc vào một tế bào chủ để sinh sản và nhân đôi, chúng xâm chiếm tế bào cơ thể và lập trình lại tế bào để tạo ra virus mới. Một khi thoát ra khỏi tế bào, chúng sẽ lan rộng hơn nhờ giọt bắn, ho hoặc hắt hơi. Trong mô hình của nhóm nghiên cứu, bộ gene của nCoV được tạo ra từ DNA tổng hợp và ghép lại trong các tế bào nấm men Sacccharomyces cerevisiae bằng cách sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp liên kết-biến đổi (TAR). Kỹ thuật này ghép các phần của bộ gene trong nCoV vào những vị trí cụ thể trong nấm men và duy trì chúng như một nhiễm sắc thể nấm men nhân tạo, lưu trữ thông tin di truyền của virus. RNA của nCoV sau đó được sản xuất trong ống nghiệm bằng chất xúc tác T7 RNA polymerase. Phương pháp này có ý nghĩa trong bối cảnh các nhóm nghiên cứu thế giới đang tìm nhiều cách tổng hợp và kiểm tra mẫu virus corona, tìm thuốc kháng virus và phát triển vaccine nhanh chóng. Việc tái tạo nCoV bằng nấm men giúp vượt qua những hạn chế trong quá trình phân lập virus, cho phép sửa đổi di truyền và những đặc tính chức năng của chúng. Không chỉ tái tạo nCoV, phương pháp cho phép tạo ra bản sao của các virus khác nhau, gồm Coronavirridae (virus gây bệnh động vật có vú), Flaviviridae (virus gây sốt xuất huyết do ve) và Paramyxoviridae (virus gây bệnh sởi, quai bị). Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 4/5.

Nguồn: vnexpress.net