Thuốc là cấu phần quan trọng và luôn chiếm tỷ trọng chi lớn nhất trong tổng chi khám chữa bệnh cũng như thanh toán BHYT. Tỷ trọng chi cho thuốc được đảm bảo ở mức cân đối, hợp lý sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT, cân đối quỹ, tính khoa học hợp lý trong chỉ định khám chữa bệnh. Do đó, làm sao để có cơ cấu chi hợp lý là bài toán kinh tế không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia.
Danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm các thuốc dùng trong điều trị nội trú, ngoại trú, bảo hiểm chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khi sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Các thuốc được lựa chọn và đánh giá trên các tiêu chí như tính an toàn, hiệu quả, chi phí và đáp ứng nhu cầu y tế của cộng đồng.
Theo Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số; và tỷ lệ chi tiền túi cho y tế giảm còn 35%.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT tương đối đầy đủ và rộng so với mức đóng trung bình của người tham gia BHYT. Về cơ bản, Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã chiếm 92% dân số. Tuy nhiên, không phải thuốc nào cũng được Quỹ BHYT thanh toán. Không được thanh toán những loại thuốc điều trị đắt tiền, đồng nghĩa với người dân phải rút tiền túi chi cho khám chữa bệnh nhiều hơn, hiện chiếm gần 45% tổng chi phí. Trong khi WHO khuyến cáo tỷ lệ này cần ở mức dưới 20%. Còn nếu so với tỉ lệ 14% ở các nước phát triển, thì người Việt Nam phải chi gấp 3 lần họ.
Số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, mặc dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, chi phí cho tiền thuốc vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí y tế nói chung và chi phí khám, chữa bệnh nói riêng. Giai đoạn 2022-2023, thuốc chiếm 34% trong cơ cấu chi, sau đó là vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường, ngày công…
Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới này tại các cơ sở khám chữa bệnh công. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc mới, họ phải tự chi trả. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở khám chữa bệnh và gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế.
Thực tế, thời gian thuốc mới có mặt ở Việt Nam là sau gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu, sau đó mất thêm 3-4 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT. Trong khi đó, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả ở Nhật là 3 tháng, Anh, Pháp - 15 tháng, Hàn Quốc - 18 tháng.
Trong 10 năm qua, có 460 loại thuốc mới trên thế giới ra đời, nhưng tỉ lệ cập nhật vào danh mục thuốc được sử dụng, thanh toán của Việt Nam chỉ 9%, thấp thứ 3/17 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương (trung bình của khu vực là 20%), cùng hạng với Inđônêxia, Bangladesh. Trong khi đó, Nhật Bản (51%), tiếp đến là Đài Loan (38%), Úc (34%), Hàn Quốc (33%), Singapo (27%), Thái Lan, Trung Quốc (24%)…
Cái khó của chúng ta khi xây dựng danh mục thuốc và phạm vi chi trả là mức đóng chưa cao nhưng phạm vi chi trả đã có nhiều ưu việt. Người bệnh muốn phạm vi tốt nhất, thầy thuốc, nhân viên y tế cũng luôn muốn quyền lợi tốt nhất cho người bệnh nhưng quỹ chỉ có hạn. Vì thế cần đảm bảo cân đối quỹ, có nguồn lực để chi tối đa quyền lợi cho người bệnh. Để làm được điều đó, khi xây dựng sửa đổi Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất đa dạng nguồn kinh phí BHYT, kể cả xã hội, nhằm cố gắng mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT, bổ sung thêm các phương pháp thanh toán…
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia