Để tăng cường đổi mới sáng tạo (ĐMST) một cách hiệu quả thông qua "thang năng lực", cần có cách tiếp cận tốt hơn để thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST, có tính đến sự không đồng nhất trong năng lực ĐMST. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới mang tên “The Innovation Imperative for Developing East Asia” (2021) đã đề xuất các chính sách và thể chế thông qua 3 cấp độ của "thang năng lực", có tính đến năng lực của các doanh nghiệp và hệ thống tiếp thu và sử dụng tri thức.

 

Năng lực sản xuất: Ở bậc thấp nhất của thang năng lực, các doanh nghiệp có năng lực sản xuất, nhưng thiếu công nghệ và năng lực ĐMST. Chính sách nên tập trung vào việc xây dựng năng lực công nghệ thông qua giải quyết sự không chắc chắn và cung cấp thông tin cần thiết cho việc áp dụng công nghệ (ví dụ, thông qua mở rộng quản lý và hạ tầng chất lượng quốc gia), nâng cao kỹ năng và hỗ trợ cải thiện chất lượng quản lý. Trong trường hợp môi trường kinh doanh và cạnh tranh còn yếu, chính sách nên tập trung xây dựng môi trường hỗ trợ đầu tư và phổ biến kiến thức, trong đó các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, tiếp cận các yếu tố đầu vào và có thể tối đa hóa sự lan tỏa kiến thức thông qua FDI và thương mại.

Năng lực áp dụng công nghệ: Ở những quốc gia mà doanh nghiệp có năng lực công nghệ, nhưng ít có năng lực R&D và sáng chế, bậc tiếp theo của thang năng lực - các chính sách nên tập trung mở rộng và tăng cường năng lực áp dụng công nghệ đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án R&D theo định hướng sáng chế.

Năng lực sáng chế: Ở những nước mà doanh nghiệp có năng lực cao hơn, mục tiêu của chính sách phải là thúc đẩy hoạt động sáng chế, hỗ trợ các dự án R&D dài hạn, phức tạp hơn. Ở giai đoạn này, các quốc gia cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và được hưởng lợi từ sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường đại học hoặc các tổ chức cung cấp kiến thức khác.

Để giải quyết sự không đồng nhất trong năng lực ĐMST, chính phủ phải hỗ trợ việc phổ biến và áp dụng công nghệ cũng như sáng chế, ưu tiên các chính sách và phân bổ nguồn lực phù hợp với năng lực. Các quốc gia có năng lực ĐMST tương đối thấp - điển hình là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong khu vực Đông Nam Á - nên ưu tiên áp dụng và phổ biến các công nghệ hiện có. Khi năng lực ĐMST tăng lên thì khung chính sách có thể chuyển dịch, càng ngày càng tập trung nhiều hơn vào nhu cầu kỹ thuật bậc cao hơn của các doanh nghiệp hàng đầu.

Đáng chú ý, ngay cả các quốc gia có thu nhập và năng lực cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Canada và Hoa Kỳ cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ áp dụng công nghệ cũng như sáng chế, thông qua các khung chính sách khuyến khích ĐMST. Ở mọi cấp độ năng lực, các chính sách không nên chỉ tập trung vào việc áp dụng công nghệ hoặc sáng chế mà cần xem xét phân bổ nhiều nguồn lực hơn để tương xứng với năng lực ĐMST.

Các ưu tiên chính sách cần có sự điều chỉnh theo thời gian vì các năng lực ĐMST luôn phát triển. Quá trình tăng bậc trong thang năng lực có tính động, do đó đòi hỏi phải điều chỉnh các ưu tiên theo thời gian. Các quốc gia có mức độ ĐMST cao như Hàn Quốc và Singapo định kỳ điều chỉnh khung chính sách theo thời gian để vươn lên vị thế đi đầu về công nghệ. Hành trình của Hàn Quốc có hai bài học quan trọng cho khu vực: Thứ nhất, quốc gia này theo đuổi mục tiêu có tính bao trùm tổng thể và tập trung vào tầm quan trọng của việc phát triển năng lực công nghệ. Thứ hai, Hàn Quốc ưu tiên phát triển chính sách dựa trên ĐMST và năng lực công nghệ. Các ưu tiên chính sách được cập nhật theo thời gian, phản ánh những thách thức luôn thay đổi - từ việc ưu tiên xây dựng năng lực ĐMST cơ bản trong những năm 1960 và 1970; đến việc tối đa hóa liên kết với các chuỗi giáo trị toàn cầu, FDI, và thâm nhập thị trường xuất khẩu trong những năm 1980; tập trung mạnh vào R&D và cấp bằng sáng chế trong những năm 2000; và dẫn đầu về công nghệ trong các lĩnh vực được chọn trong những năm 2000.

Ưu tiên hiện tại bao gồm việc xóa bỏ định kiến chính sách đối với dịch vụ. Trên thực tế, ĐMST trong lĩnh vực dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng cường chuỗi giáo trị toàn cầu, cũng như đối với lĩnh vực dịch vụ vốn là khu vực có số lượng lao động lớn nhất ở tất cả các nước. Ví dụ, quá trình quốc tế hóa kinh doanh phụ thuộc vào mạng lưới vận tải, kho vận và truyền thông. Do đó, ĐMST trong các dịch vụ này là rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập mạng lưới toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước. Cải thiện về hạ tầng kỹ thuật số, mạng kỹ thuật số và nền tảng cũng tạo điều kiện cho sự phát triển nở rộ của các doanh nghiệp dịch vụ có tính ĐMST trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách ĐMST lại hiếm khi hỗ trợ ĐMST trong lĩnh vực dịch vụ. Để xoá bỏ định kiến này, cần hành động ở hai mặt trận. Đầu tiên, không nên chỉ giới hạn ở những công cụ truyền thống thường hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ, chẳng hạn như thông qua các cơ sở hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp, và áp dụng các công cụ đổi mới khác cho các doanh nghiệp dịch vụ và bán lẻ, chẳng hạn như tài trợ có đóng góp đối ứng cho các dự án ĐMST hoặc số hóa. Thứ hai, cần mở rộng phạm vi của các hoạt động ĐMST để bao gồm thiết kế trong công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như trong lĩnh vực dịch vụ và tăng cường năng lực kỹ thuật số của các doanh nghiệp. Các ngành dịch vụ rất đa dạng và hoạt động ĐMST có nhiều hình thức khác nhau với những ưu tiên khác nhau giữa các phân ngành. Ví dụ, yếu tố kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo cần thiết hơn trong các dịch vụ thông thường, còn thiết kế, mô hình kinh doanh và giao hàng lại là những yếu tố quan trọng hơn trong các dịch vụ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu.

Để tiếp tục nâng cao thang năng lực ĐMST, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á tập trung vào: