Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Washington ở St. Louis, Hoa Kỳ, bổ sung một loại protein tăng cường có thể cải thiện đáng kể liệu pháp miễn dịch ung thư. Các thử nghiệm trên chuột cho thấy protein này tạo ra nhiều tế bào miễn dịch gấp 10.000 lần và kết quả là tất cả các con chuột đều sống sót sau thí nghiệm.
Hệ miễn dịch của chúng ta là tuyến phòng thủ mạnh mẽ chống lại bệnh tật, kể cả bệnh ung thư, nhưng đôi khi nó cần sự hỗ trợ. Nhờ liệu pháp miễn dịch tế bào CAR T triển vọng, các bác sĩ lấy tế bào T từ bệnh nhân và biến đổi di truyền tế bào T nhắm đích là các tế bào ung thư cụ thể. Sau đó, các tế bào T được đưa trở lại cơ thể để săn lùng các tế bào ung thư đó. Mặc dù kỹ thuật này có triển vọng, nhưng hiệu quả lại giảm theo thời gian.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã khắc phục vấn đề này bằng cách tăng cường số lượng tế bào T. Họ chuyển sang sử dụng protein interleukin-7 (IL-7), mà cơ thể biểu hiện một cách tự nhiên để tăng cường sản sinh tế bào T trong trường hợp con người bị bệnh. Tuy nhiên, protein tự nhiên thường không tồn tại lâu nên các nhà nghiên cứu đã biến đổi để protein này có thể lưu lại trong cơ thể nhiều tuần.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm IL-7 được biến đổi trên mô hình chuột bị ung thư hạch bằng cách sử dụng protein vào những ngày khác nhau sau khi tiêm tế bào CAR T ban đầu. Khi so sánh với những con chuột đối chứng không được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, cũng như với những con khác được điều trị bằng tế bào CART không có IL-7, sự khác biệt là rõ ràng.
John DiPersio, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khi chúng tôi cung cấp loại IL-7 tồn tại lâu cho những con chuột bị suy giảm miễn dịch mang khối u ngay sau khi điều trị bằng tế bào CAR T, chúng tôi nhận thấy các tế bào CAR-T được tạo ra nhiều gấp 10.000 lần so với những con chuột không được nhận IL-7. Các tế bào CAR T này cũng tồn tại lâu hơn và hoạt động chống khối u gia tăng đáng kể”.
Hoạt động của protein tăng cường làm tăng khả năng sống sót cho những con chuột được điều trị. Tất cả chuột được trị liệu bằng tế bào CAR T và IL-7, đều sống sót sau 175 ngày thử nghiệm, trong đó, kích thước khối u thu nhỏ đến mức không thể phát hiện được vào ngày thứ 35. Trái lại, những con chuột được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, chỉ sống sót trung bình 30 ngày.
DiPersio cho biết: “Ở những con chuột chỉ nhận tế bào CAR T, bệnh được kiểm soát trong một thời gian ngắn. Nhưng đến tuần thứ ba, khối u xuất hiện trở lại. Đến tuần thứ tư, khối u phát triển trông giống như khối u ở những con chuột đối chứng không nhận được bất kỳ liệu pháp tích cực nào. Nhưng bằng cách bổ sung IL-7 hoạt động lâu dài, số lượng tế bào CAR T chỉ bùng nổ và những con chuột đó đã sống vượt quá khung thời gian mà chúng tôi đặt ra cho thí nghiệm. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy khả năng điều chỉnh sự mở rộng của tế bào CAR T bằng cách kiểm soát liều lượng IL-7”.
Các thử nghiệm lâm sàng trên người về liệu pháp tế bào CAR T tăng IL-7 sẽ sớm được thực hiện trên các bệnh nhân mắc một loại ung thư hạch. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.