Mới đây, các nhà khoa học Trường Đại học Y khoa Albert Einstein đã phát hiện ra một phương pháp tiềm năng mới có thể ngăn ngừa chứng tắc nghẽn động mạch vì vậy có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Kỹ thuật này liên quan đến việc gia tăng quá trình làm sạch bị chậm lại tự nhiên khi chúng ta già đi.
Cốt lõi của nghiên cứu này là quá trình chaperone-mediated autophagy (CMA) - quá trình phân hủy các protein bị hư hỏng hoặc không cần thiết. CMA điều chỉnh một số quá trình quan trọng như chuyển hóa tế bào, nhịp sinh học và sửa chữa DNA, thông thường là để phản ứng với sự căng thẳng tế bào. Tuy nhiên, hiệu quả của nó bị giảm dần theo tuổi tác và kết quả là các protein bị tích tụ lại góp phần gây ra một số căn bệnh liên quan đến tuổi tác, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã xác định được một vấn đề sức khỏe mới chống lại sự bảo vệ cơ thể của CMA đó là chứng xơ vữa động mạch. Nó hình thành các mảng bám trong động mạch có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy CMA được kích hoạt để phản ứng với sự căng thẳng tế bào trong chế độ ăn nhiều chất béo và ban đầu nó có tác dụng làm chậm sự tích tụ mảng bám nhưng theo thời gian, nó dần mất đi tác dụng này.
Tiến sĩ Ana Maria Cuervo, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã cho thấy chúng ta cần CMA để bảo vệ cơ thể chống lại chứng xơ vữa động mạch nhưng bệnh trở nên nghiêm trọng và tiến triển khi CMA giảm xuống và nó cũng xảy ra khi mọi người già đi. Điều quan trọng không kém là chúng tôi đã chứng minh được việc tăng cường hoạt động CMA có thể là một chiến lược hiệu quả để hạn chế chứng xơ vữa động mạch và ngăn chặn sự tiến triển của nó.”
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra vai trò của CMA bằng cách cho chuột ăn theo chế độ ăn nhiều chất béo trong 12 tuần và theo dõi hoạt động của CMA ở hai loại tế bào hoạt động sai chức năng trong xơ vữa động mạch. Hoạt động của CMA tăng lên ở giai đoạn đầu để đối phó với sự căng thẳng của chế độ ăn uống không lành mạnh, nhưng vào thời điểm 12 tuần, hầu như không có hoạt động CMA nào trong các tế bào đó.
Trong các thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã lặp lại thí nghiệm trên những con chuột được thiết kế hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động CMA nào. Kết quả là, sau 12 tuần thực hiện chế độ ăn nhiều chất béo, chúng đã phát triển các mảng bám lớn hơn gần 40% so với những con chuột đối chứng ăn cùng loại thức ăn.
Để kiểm tra ngược, các nhà nghiên cứu thiết kế những con chuột có hoạt tính CMA cao hơn, và sau cùng một khoảng thời gian thực hiện chế độ ăn nhiều chất béo, chúng có cấu hình lipid máu tốt hơn, mức cholesterol thấp hơn nhiều và các mảng cỡ nhỏ hơn và ít nghiêm trọng hơn đáng kể, so với chuột đối chứng.
Tất nhiên, sinh học của chuột rất khác với con người, vì vậy không phải cơ chế nào cũng hoạt động trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng liên kết CMA với chứng xơ vữa động mạch ở người khi phân tích hoạt động của CMA trong các đoạn động mạch bị tắc của 62 bệnh nhân bị đột quỵ.
Cuervo cho biết: “Những bệnh nhân có mức CMA cao hơn sau lần đột quỵ đầu tiên của họ sẽ không bị mắc lại lần thứ hai, trong khi lần đột quỵ thứ hai xảy ra ở gần như tất cả những bệnh nhân có hoạt độ CMA thấp. Điều này cho thấy mức độ hoạt động CMA của bệnh nhân sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung có thể giúp dự đoán nguy cơ đột quỵ lần thứ hai và hướng dẫn điều trị, đặc biệt đối với những người có CMA thấp”.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát triển các hợp chất dược cho thấy hứa hẹn trong việc tăng cường hoạt động CMA trong các tế bào có nguồn gốc từ con người, vì vậy hy vọng với sự phát triển hơn nữa, điều này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới để giảm xơ vữa động mạch và ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ. Nhóm nghiên cứu cũng đang nghiên cứu cách tăng cường CMA có thể giúp điều trị các bệnh khác như Alzheimer.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PNAS mới đây