Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Lê Thị Khánh Vân
Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, quốc gia nào cũng tập trung ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, hoạt động này ở Việt Nam còn chưa có sự thống nhất, việc trang bị kiến thức cần thiết cho người khởi nghiệp thông qua hệ thống giáo dục cũng chưa được chú trọng. Bài viết giới thiệukhái quát về kinh nghiệm tạo lập môi trường khởi nghiệp của một số quốc gia phát triển và đánh giá các vấn đề trong thực tiễn khởi nghiệp ở Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị để giúp khởi nghiệp ở Việt Nam thành công hơn trong thời gian tới.
Tạo lập môi trường khởi nghiệp ở một số nước phát triển:
Singapore
Theo Tạp chí Economist (Anh), hiện nay Singapore là 1 trong 3 vùng đất hứa của tinh thần khởi nghiệp trên thế giới (2 quốc gia còn lại là Israel và Đan Mạch).Từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore đã sớm nhận thấy tinh thần khởi nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội vàkêu gọi cả nước cùng phát triển tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, chiến dịch này thất bại vì người dânSingapore khi đó chưa được trang bị“văn hóa thất bại” như người Israel. Tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây, tinh thần khởi nghiệp tại Singapore đã được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ ủng hộ của Chính phủ, bắt đầu từ các cơ sở giáo dục đại họcgiảng dạy tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Từ năm 2008, Chính phủ Singapore đã thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng như truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và lọc nước… Đồng thời, công tác truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, giúp người dân vốn quen tư duy thụ động trở nên năng động hơn. Các chính sách tích cực của Chính phủ đã giúp thay đổi văn hóa bảo thủ tại Singapore, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ dựa trên nền tảng của giáo dục và hành lang pháp lý thông thoáng.
Hoa Kỳ
Để duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới, Hoa Kỳ lấy tinh thần khởi nghiệp làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Thay vì coi trọng dòng dõi, truyền thống như nhiều quốc gia khác, Hoa Kỳ coi trọng những cá nhân sẵn sàng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, bất kể địa vị trong xã hội. Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Doanh nhân đại diện cho lời hứa của Hoa Kỳ, nếu bạn có ý tưởng hay và sẵn sàng làm việc hết mình để theo đuổi, bạn sẽ thành công trên đất nước này. Và trong quá trình hiện thực hóa lời hứa này, các doanh nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng nền kinh tế và tạo công ăn việc làm”.
Hoa Kỳ là xã hội năng động nhất về đổi mới sáng tạo, luôn có nhu cầu thúc bách phải khởi nghiệp để biến những phát minh, sáng chế mới thành hàng hóa. Ở Hoa Kỳ có những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất, hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, là nguồn vốn quan trọng ươm mầm cho những ý tưởng kinh doanh táo bạo, đem lại sự thành công không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới.Trong văn hóa khởi nghiệp ở Hoa Kỳ, cá tính của mỗi cá nhân được xem là quan trọng nhất, xã hội tôn vinh những người dám tự làm, tự chịu. Khi thành công, họ được ngưỡng mộ như một nhà khởi nghiệp tài năng, được công nhận ở những vị trí cao trong xã hội; cònkhi thất bại thì được cả xã hội động viên khuyến khích, các quỹ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ để họ tiếp tục đứng lên và bắt đầu lại. Một điều chắc chắn rằng, mọi doanh nhân thành đạt ở Hoa Kỳ đều đã trải qua những khởi đầu khó khăn và nếm trải thất bại,nên dù đã thành công họ vẫn tiếp tục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở những công ty mới hoặc mở rộng quy mô phát triển. Điều này làm cho xã hội Hoa Kỳ có tính cạnh tranh quyết liệt, là động lực rất lớn để tạo nên các công ty khởi nghiệp năng động và một nền kinh tế phát triển.
Israel
Trong vài chục năm qua, Israel là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất trên thế giới. Họ đã rút ra 3 nguyên nhân trực tiếp để khởi nghiệp thành công là: (i) Cóchính sách phù hợp của Chính phủ;(ii) Sự năng động của công dân;(iii) Sự đóng góp của môi trường quân đội.Yếu tố đóng góp sâu sắc, căn bản nhất cho tinh thần khởi nghiệp của Israel chính là nền giáo dục, là quá trình trang bị những kiến thức cơ bảncho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân. Người Israel cho rằng, ý chí khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ hình thành ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, trẻ em được khuyến khích sống với tự nhiên, phát triển trí tò mò, tìm hiểu mọi thứ trong thiên nhiên và cuộc sống. Ở tuổi thiếu nhi, các em được dạy cách sống tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân và học cách chấp nhận rủi ro, thất bại; đến tuổi thiếu niênđược học cách xây dựng tình đồng đội, bạn bè, cách hành động nhanh, ra quyết định táo bạo để chiếm lĩnh mục tiêu, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, nguy hiểm. Ở Israel, hầu hết mọi người dân đều gia nhập quân đội trước khi vào đại học. Trong quân đội, mọi người có cơ hội tìm hiểu thêm về công nghệ, được xây dựng tinh thần quân đội“cởi mở với thất bại”, chú trọng đổi mới sáng tạo… là yếu tố quan trọng hình thành “tính cách khởi nghiệp” của người dân đất nước này.
Chính vì tinh thần khởi nghiệp được tạo lập từ rất sớm và lớn dần lên trong môi trường xã hội thân thiện với khởi nghiệp, nên ở Israel dù không phải tỷ phú vẫn sẵn sàng bỏ tiền ủng hộ khởi nghiệp và coi như là nguồn đóng góp cho phát triển kinh tế, cho tương lai của mình. Chính phủ có chính sách phù hợp hỗ trợ khởi nghiệp: Đầu tư, đồng hành, tạo môi trường liên kết và có những chủ trương khuyến khích khởi nghiệp từ trong trường học;xã hội luôn có đội ngũ chuyên gia nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ khởi nghiệp;các doanh nghiệp lớn đã thành danh luôn tìm cách kết nối, khuyến khích, sử dụng dịch vụ của các công ty khởi nghiệp… Tất cả những yếu tố này đã tạo nên tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ tại Israel.
Phát triển hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
Khởi nghiệp đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao”. Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016). Mặc dù đã có một số thành công bước đầu, nhưng nhìn chung, hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn; các nhóm khởi nghiệp vẫnchưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức kỹ năng cơ bản, thiếu sự liên kết và chưa đủ mạnh để phát triển một cách bền vững.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã có sức sống, tuy nhiên vẫn cần cócơ chế, chính sách đặc thù và sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước và xã hội để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.Cụ thể, năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (cao nhất từ trước đến nay), tăng 16,2% so với năm 2015. Nhiềulĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao như kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%), giáo dục đào tạo (tăng 43,1%)…đã tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Tuy nhiên cũng trong năm này, cả nước có 12.478 doanh nghiệp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3.011 doanh nghiệp so với năm 2015.Trong số này, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (11.611 doanh nghiệp), chiếm 93,1% tổng số doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động.
Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo, dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới. Đặc điểm của loại hình này là ý tưởng sáng tạo khá phong phú nhưng do thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công tương đối thấp. Theo số liệu thống kê, cứ khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 90đứng trước nguy cơ giải thể trong 2 năm đầu hoạt động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 50%), thiếu vốn (chiếm 40%) và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%), thiếu hiểu biết về KH&CN... Mặc dù, hoạt động khởi nghiệp phát triển nhanh nhưng đa số diễn ra một cách tự phát, chưa có hệ thống và sự kết nối chặt chẽ, thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều hoạt động, sự kiện chỉ mang tính "phong trào" mà chưa thực sự giúp ích cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những khó khăn về thông tin và kết nối với các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đang hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Việt Nam có thế mạnh về dân số vàng với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, giá cạnh tranh. Mỗi năm nước ta có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp, nhưng có đến 225,5 nghìn sinh viên không tìm được việc làm.Số liệu khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp cho thấy,hầu hết sinh viên mới tốt nghiệpở trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng của hoạt động khởi nghiệp.Nguyên nhân là do các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thường chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chưa trang bị cho sinh viên kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp như: Lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư…ỞViệt Nam, hệ thống giáo dục chưa chú trọng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung họcchưa được trang bị những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và tiếp cận thực tiễn về kinh doanh, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về lập thân, lập nghiệp. Một nghịch lý là, tinh thần làm chủ, tinh thần khởi nghiệp lại được bắt đầu từ những con người lăn lộn với thực tiễn, ít có cơ hội học hành nên phần lớn những người khởi nghiệp ở Việt Nam có trình độ học vấn thấp, còn những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công, lại hướng đến việc đi làm công, làm thuê. Phải chăng đây là một đặc điểm riêng của Việt Nam? Đặc điểm đó đã tạo ra rào cản lớn cho quá trình hình thành tinh thần khởi nghiệp trong đời sống hiện đại của đất nước?
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học, trong chuyến thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nộivào ngày 16/10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh:Một trong những thước đo thành công của trường đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm. Thủ tướng yêu cầu các cơ sở giáo dục đưa các nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạonhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bởi nếu dùng tiêu chí số lượng cựu sinh viên và sinh viên khởi nghiệp thành công làm một trong những thước đo của chất lượng đào tạo đại học thì các cơ sở giáo dục sẽ tự xây dựng nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
Đề xuất một số giải pháp
Nhìn vào sự phát triển của Israel, chúng ta cần phải đặt câu hỏi: Vì sao và bằng cách nào,một quốc gia mới gần 70 năm tuổi và chỉ có 8,5 triệu dân, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt (hơn 2/3 là sa mạc, đồi núi, 95% diện tích đất nước được coi là khô hạn và không thể canh tác,hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, lại bị sự thù địch tôn giáo bủa vây…) nhưng đã tạo ra những nông trang đầy hoa giữa sa mạc khô cằn, đã sản sinh ra rất nhiều chủ nhân giải thưởng Nobel, khoa học gia, kỹ nghệ gia lỗi lạcvà các thương gia đại tài? Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là dân số Việt Nam đông hơn Israel gần 11 lần, diện tích lớn hơn 15 lần, nhưng GDP đầu người lại chưa bằng1/16của họ (năm 2016). Và cũng câu hỏi tương tự với đất nước Singapore “nhỏ bé”, diện tích chỉ bằng 2/3 thành phố Đà Nẵng, lại có thể trở thành “rồng châu Á”?Có thể thấy rằng, tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy mạnh mẽ trong xã hội có nền kinh tế phát triển sôi động, có nền giáo dục khởi nghiệp với nhiều trường đại học và các trung tâm nghiên cứu - phát triển được gắn kết chặt chẽ, có đội ngũ trí thức trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, có cộng đồng doanh nghiệp năng động, có sự hỗ trợ thích đáng của chính quyền… đã tạo nên sự phát triển thần kỳở các quốc gia này.Tuy môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất non trẻ nhưng nước ta có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ.Để xây dựng được tinh thần và văn hoá khởi nghiệp của Việt Nam, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần đưa nội dung khởi nghiệp vàochương trình giáo dục phổ thôngđể sớm hình thành tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ. Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện thông qua giáo dục và xã hội từ khi còn nhỏ. Vì vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp, đặc biệt cần đưa giáo dục STEM vào chương trình đào tạo phổ thông.Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho người dân trong tất cả các định chế xã hội.
Thứ hai, cần có các chính sách nhất quán và đồng bộ từ Chính phủ và đến các cấp chính quyền, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Cần thiết thực triển khai đồng bộ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Thứ ba,phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp.Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, đã bộc lộ những dấu hiệu phát triển thiếu bền vững, khu vực kinh tế nhà nước đã lộ rõ sự yếu kém, đóng góp của doanh nghiệp FDI vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế còn nhiều vấn đề phải xử lý.Do đó, Nhà nước cầncoi kinh tế tư nhân là động lực phát triểnvà ban hành đầy đủ các chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cùng với đó, cần nhanh chóng và kiên quyết cải cách thể chế theo hướng “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp”,triệt để loại bỏ tệ nạn sách nhiễu doanh nghiệp từ các cơ quan công quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thông suốt và hiệu quả.
Thứ tư,sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia nhằm cung cấp, hỗ trợ cho người dân các thông tin liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Cổng thông tin này sẽ được tích hợp với website của các cơ quan liên quan đến khởi nghiệp, các hội/hiệp hội, website địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học… tạo thành mạng lưới liên kết 4 nhà nhằm tạo sự liên kết, cộng hưởng, chia sẻ, hỗ trợ giữa nhà quản lý, cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp thành đạt và cá nhân, nhóm khởi nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016).
2. F.P. Drucker(2011),Tinh thần doanh nhân khởi nghiệp và sự đổi mới.
3. Võ Duy Khương(2017),Tinh thần khởi nghiệp - Động lực phát triển xã hội.
4. Văn hóa khởi nghiệp của Việt Nam dưới góc nhìn của nhà báo Hoa Kỳ,http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/1902605/van-hoa-khoi-nghiep-o-viet-nam-qua-goc-nhin-cua-bao-my.