Techmart Công nghệ sau thu hoạch do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức trong hai ngày 30 và 31/7 tại TPHCM đã trưng bày, giới thiệu hơn 100 công nghệ, thiết bị đến từ 50 viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Techmart, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho rằng, mặc dù Việt Nam đang đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu một số nông sản có giá trị, nhưng không thể phủ nhận rằng công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, từ 12 - 15% đối với hạt, từ 25 - 30% đối với rau quả và các sản phẩm chăn nuôi còn cao hơn. Việt Nam vẫn còn thua kém các nước khác từ 15 - 50% về giá trị do những chênh lệnh về chất lượng. Theo ông Dũng, một trong những nguyên nhân của các hạn chế trên là việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. “Để khắc phục điều này, giải pháp then chốt của doanh nghiệp là phải ứng dụng KH&CN để thay đổi tập quán canh tác; xây dựng nền nông nghiệp thông minh; tạo đột phá về năng suất, chất lượng; tăng hiệu quả lao động, hiệu quả kinh tế; linh hoạt thích ứng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Techmart lần này tập trung giới thiệu các công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, tạo ra thực phẩm có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, không tồn dư các hóa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng.
Một số công nghệ nổi bật được giới thiệu tại Techmart như công nghệ sấy; công nghệ chế biến vi sinh; giải pháp xét nghiệm an toàn thực phẩm; giải pháp về truy xuất nguồn gốc; nền tảng đa dịch vụ kết nối hệ sinh thái nông nghiệp từ nông dân, nhà cung cấp đến người tiêu dùng và xuất khẩu; công nghệ xử lý môi trường trong các nhà máy sản xuất thực phẩm; tư vấn pháp lý liên quan đến xây dựng thương hiệu và đăng ký các sản phẩm nông sản…
Ngoài ra, Techmart Công nghệ sau thu hoạch còn trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ, thiết bị như: bộ tiệt trùng nhanh vi khuẩn cho nông sản; tủ cấy vi sinh; máy kiểm tra độc tố thực phẩm; máy kiểm tra vi sinh vật trong sản xuất thực phẩm; tủ bảo quản hóa chất thực phẩm có lọc hấp thu; tủ hấp khí độc có đường ống; tủ lưu trữ chống cháy; bàn thí nghiệm hóa chất, thực phẩm; máy trộn bột ướt và khô; máy cô mật ong siêu tốc; hệ thống máy chiết rót; cân băng tải….
Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình xúc tiến chuyển giao công nghệ cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đối tác đầu tư, hợp tác phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh, gần 20 hội thảo chuyên đề kết hợp trình diễn công nghệ diễn ra trong suốt hai ngày. Có thể kể đến các hội thảo chuyên về ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa, sấy tuần hoàn và sấy chân không trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm giá trị cao; công nghệ sấy động trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời; công nghệ sấy ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến và bảo quản nông thủy sản và thực phẩm bền vững; giải pháp đo độ mặn của nước, giúp theo dõi sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng phục vụ trong nông nghiệp;…
Đặc biệt, từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, Ban tổ chức Techmart còn thiết lập khu vực tư vấn, giải đáp các câu hỏi về công nghệ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được Sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ tư vấn, kết nối sau Techmart để đi đến ký kết thành công các hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển, ngày 30/7/2020.