Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các quốc gia có thể cắt giảm 80% ô nhiễm nhựa trong vòng chưa đầy hai thập kỷ tới.
Ô nhiễm nhựa là tai họa ảnh hưởng đến mọi nơi trên thế giới, từ Bắc Cực đến các đại dương và không khí chúng ta hít thở. Tình trạng này thậm chí còn làm thay đổi hệ sinh thái. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy đá được hình thành từ nhựa trên một hòn đảo xa ở Braxin và hiện có quá nhiều nhựa cuộn xoáy ở các khu vực của biển Thái Bình Dương đến nỗi các cộng đồng sinh vật ven biển đang sinh trưởng mạnh trên đó, bị cuốn xa cách nơi cư trú của chúng hàng nghìn dặm.
Vài thập kỷ qua đã chứng kiến tốc độ sản xuất nhựa tăng vọt, đặc biệt là nhựa dùng một lần, do đó, các hệ thống quản lý chất thải không bắt kịp được. Năm 2021, thế giới đã thải ra 139 triệu tấn chất thải nhựa dùng một lần. Sản xuất nhựa toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060 nếu không có hành động nào được thực hiện.
Báo cáo của UNEP đã đưa ra lộ trình cho các chính phủ và doanh nghiệp cắt giảm đáng kể mức độ ô nhiễm nhựa, trong đó, tập trung vào ba chiến lược chính: tái sử dụng, tái chế và vật liệu thay thế. Việc tái sử dụng nhựa sẽ gây tác động lớn nhất, khuyến nghị thúc đẩy các lựa chọn như chương trình ký gửi để khuyến khích mọi người trả lại sản phẩm nhựa và chương trình thu hồi bao bì. Báo cáo nêu rõ đây sẽ là sự “thay đổi thị trường mạnh mẽ nhất”, làm giảm 30% ô nhiễm nhựa vào năm 2040.
Ngoài ra, việc mở rộng quy mô tái chế có thể giảm ô nhiễm nhựa thêm 20%. Chỉ khoảng 9% nhựa trên toàn cầu được tái chế mỗi năm, phần còn lại được đốt cháy hoặc đưa đến các bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, báo cáo cũng khuyến nghị ngừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch giúp sản xuất các sản phẩm nhựa mới rẻ hơn. Điều đó không khuyến khích tái chế và sử dụng các vật liệu thay thế. Nhiên liệu hóa thạch là nguyên liệu thô để sản xuất hầu hết các loại nhựa.
Theo báo cáo, việc sử dụng các vật liệu thay thế thích hợp cho các sản phẩm dùng một lần như giấy gói - bao gồm cả việc chuyển sang dùng vật liệu dễ phân hủy - có thể giảm 17% ô nhiễm nhựa.
Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP, cho biết: “Cách chúng ta sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa đang gây ô nhiễm hệ sinh thái, gây rủi ro cho sức khỏe con người và gây bất ổn cho khí hậu. Báo cáo của UNEP đưa ra lộ trình nhằm giảm thiểu đáng kể những rủi ro này thông qua việc áp dụng cách tiếp cận tuần hoàn nhằm loại bỏ nhựa ra khỏi hệ sinh thái, ra khỏi cơ thể chúng ta và cả nền kinh tế”.
Theo ước tính, khoản đầu tư cần thiết cho những thay đổi theo đề xuất của báo cáo, sẽ tiêu tốn khoảng 65 tỷ USD/năm, nhưng số tiền này thấp hơn chi phí nếu không làm gì cả. Việc chuyển sang một nền kinh tế ở đó nhựa được tái sử dụng và tái chế có thể mang lại khoản tiết kiệm 3,25 nghìn tỷ USD vào năm 2040, bằng cách tránh các tác động tiêu cực của nhựa, bao gồm cả những tác động đến khí hậu, sức khỏe, không khí và nước. Bên cạnh đó, việc cắt giảm 80% nhựa sẽ tiết kiệm được 0,5 tỷ tấn ô nhiễm cacbon đang làm hành tinh nóng lên mỗi năm và cũng có thể tạo ra 700.000 việc làm mới, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, ngay cả với tất cả những thay đổi này, thế giới vẫn sẽ phải quản lý khoảng 100 triệu tấn chất thải nhựa từ các sản phẩm có tuổi thọ ngắn vào năm 2040. Khối lượng nhựa đó tương đương với gần 5 triệu công-te-nơ vận chuyển. Để giải quyết vấn đề này, sẽ đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với rác thải không tái chế và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các nhà sản xuất về tác động do các sản phẩm nhựa của họ gây ra.
Báo cáo của UNEP được công bố khi các quốc gia chuẩn đang bị cho vòng đàm phán thứ hai tại Paris vào cuối tháng này nhằm thống nhất một hiệp ước quốc tế đầu tiên về nhựa trên thế giới. Hiệp ước này sẽ giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa từ khâu sản xuất đến thải loại. Liệu hiệp ước có bao gồm các hạn chế đối với sản xuất nhựa hay không vẫn còn là vấn đề nan giải.