Muốn có một sức khỏe tốt mỗi người cần phải duy trì một lối sống lành mạnh. Đôi khi một thay đổi nhỏ về lối sống hàng ngày cũng có thể tạo nên những khác biệt lớn trong cuộc sống giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

 

Các yếu tố lối sống có thể thay đổi bao gồm: Chế độ ăn uống lành mạnh; Không bao giờ hút thuốc; Hoạt động thể lực vừa phải (ít nhất 30 phút/ngày); Uống rượu mức độ vừa phải; Có chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh. Trên thực tế, do tính chất công việc bận rộn, lối sống lành mạnh ngày càng được đơn giản hóa. Một trong ví dụ điển hình là thói quen ăn uống không được chú trọng thay vào đó là chế độ ăn thiếu khoa học dẫn đến nguy hại cho sức khỏe, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu trên tạp chí Cell Metabolism chỉ ra rằng chế độ ăn uống giàu protein nguồn gốc từ động vật có thể gây hại cho não bộ của người trung niên nhiều như hút thuốc lá. Chúng làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư cao gấp 4 lần, nguy cơ tử vong vì bất kỳ loại bệnh nào cao hơn 74% so với người ăn chế độ ít protein. Người thu nạp ít nhất 20% calo hàng ngày từ các nguồn protein có tỷ lệ tử vong do ung thư và tiểu đường cao hơn. Những người ăn nhiều thực phẩm làm từ động vật, như thịt hoặc phô mai có nguy cơ tử vong sớm hơn vì bất kể nguyên nhân gì. Tuy nhiên, chế độ ăn uống vừa đủ, giàu protein có nguồn gốc từ thực vật, động vật lại có lợi cho người trẻ tuổi duy trì cân nặng hợp lý và bảo vệ khỏi tình trạng còi xương, người già trên 65 tuổi.

Theo tạp chí Y học Quốc tế Jama cho thấy việc uống nước ngọt - soda (cả loại thường và loại dành cho người ăn kiêng) có thể làm giảm tuổi thọ. Uống hai lon nước ngọt mỗi ngày có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn. Nguyên nhân là nước ngọt có liên quan đến các bệnh tiêu hóa. Việc sử dụng đồ uống chứa đường nhân tạo có liên quan đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây tử vong sớm. Uống thêm 300ml đồ uống có đường mỗi ngày làm tăng 10% nguy cơ tử vong do bệnh tim. Vậy cách tốt nhất là chúng ta không nên sử dụng các đồ uống này.

Chế độ ăn nhiều đường có hại cho hệ tim mạch hơn chế độ ăn nhiều muối. Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm tăng áp lực lên các mạch máu, về lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim mạch vành, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đường huyết cao. Khi ăn chế độ ăn nhiều đường trong thời gian dài sẽ làm giảm tuổi thọ trung bình từ 10 đến 20 năm.

Chế độ ăn hạn chế carbohydrate có thể làm giảm vài năm tuổi thọ. Các chuyên gia cho biết nhóm ăn vừa phải lượng carb sống lâu hơn gấp 4 lần so với những người ăn ít carb - Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Public Health.

Nam giới độ tuổi trung niên có chế độ ăn dung nạp quá nhiều thịt đỏ khiến cơ thể hấp thụ lượng protein xấu cao hơn so với nam giới ăn uống cân bằng cả động thực vật. Đàn ông trung niên ăn trung bình 200g thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 23% so với những người ăn dưới 100g thịt mỗi ngày.

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, giăm bông và pepperoni hay xúc xích có thể làm giảm 14% tuổi thọ. Đây là nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Hội Y khoa Mỹ. Đồng thời tăng tỉ lệ mắc bệnh không lây nhiễm. Thói quen ăn uống tiêu thụ nhiều dầu mỡ từ đồ chiên xào khiến lượng mỡ và cholesterol tích tụ quá nhiều trong mạch máu, làm dày và hẹp thành mạch, làm giảm lưu lượng máu và tốc độ máu chảy chậm hơn. Nếu ăn quá nhiều đồ dầu mỡ cũng sẽ làm tăng khả năng bị gan nhiễm mỡ, gan là cơ quan tạo máu quan trọng của cơ thể con người, một khi bị tổn thương thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mạch máu.

Bên cạnh chế độ ăn, thì cách ăn uống cũng đóng vai trò không nhỏ đối với sức khỏe con người. Ăn quá nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ một số bệnh như: Béo phì do ăn nhanh có thể làm rối loạn các hormone đường ruột giúp điều chỉnh sự thèm ăn và khiến bạn ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế của cơ thể, bạn có nhu cầu ăn vặt hơn; Bệnh tiểu đường: Việc nạp thức ăn quá nhiều trong một lúc có thể gây ra tình trạng kháng insulin và lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Thói quen ăn nhanh có liên quan đến béo phì - và béo phì là nguyên nhân chính gây ra kháng insulin; Hội chứng chuyển hóa: Kháng insulin có liên quan mật thiết đến hội chứng chuyển hóa - một nhóm các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.

Ăn quá no sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, thậm chí gây bệnh tiểu đường, béo phì, mỡ máu... Ăn nhiều cơm làm bạn tăng cân và nguy cơ tiểu đường, tim mạch do bản thân gạo có chứa nhiều đường.