Hai nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ (RCNA) đã tiết lộ bằng chứng cho thấy việc tiêm corticosteroid có thể đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối. Nghiên cứu này, chưa được bình duyệt và công bố trên tạp chí, chỉ ra rằng tiêm axit hyaluronic có thể là một lựa chọn giúp giảm đau tốt hơn cho bệnh nhân.

 

Phương pháp điều trị phổ biến dùng để giảm đau nhức xương khớp nghiêm trọng là tiêm corticosteroid. Đối với hầu hết bệnh nhân, những mũi tiêm steroid này có thể khá hiệu quả trong việc giảm đau cấp tính nhưng trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu đặt câu hỏi về tác dụng phụ lâu dài của những phương pháp điều trị này.

Mặc dù một số nghiên cứu ban đầu đã gợi ý tiêm corticosteroid có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, nhưng bằng chứng này còn lâu mới có thể đưa ra được kết luận cuối cùng. Hiệp hội viêm khớp thường khuyến nghị các phương pháp điều trị này cần thực hiện một cách thận trọng và không phải là phương pháp điều trị lựa chọn đầu tiên cho chứng đau xương khớp.

Nghiên cứu mới lần đầu tiên được công bố gần đây của các nhà nghiên cứu Trường Đại học California, San Francisco (UCSF) đã xem xét các dữ liệu của những người tham gia trong một dự án nghiên cứu dài hạn “Osteoarthritis Initiative”. Họ đã so sánh dữ liệu MRI của những bệnh nhân được tiêm corticosteroid hoặc tiêm axit hyaluronic với dữ liệu của một nhóm đối chứng không điều trị. Hình ảnh MRI được chụp tại thời điểm điều trị và tiếp tục được chụp lại sau đó hai năm.

Upasana Upadhyay Bharadwaj, Khoa X quang của UCSF, cho biết dữ liệu theo dõi trong hai năm cho thấy rõ ràng những người tiêm steroid có tiến triển viêm xương khớp ở đầu gối nhiều hơn so với hai nhóm còn lại. Theo Upadhyay Bharadwaj, những người tham gia dùng axit hyaluronic có sự tiến triển của bệnh chậm hơn một cách thú vị so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy phương pháp điều trị này có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài hơn đồng thời mang lại hiệu quả giảm đau cấp tính cho người bệnh.

 “Đây là sự so sánh trực tiếp đầu tiên giữa tiêm corticosteroid và axit hyaluronic sử dụng phương pháp bán định lượng, đánh giá toàn bộ cơ quan của đầu gối bằng MRI. Mặc dù cả tiêm corticosteroid và axit hyaluronic đều được báo cáo là giúp giảm đau đối với bệnh viêm xương khớp gối có triệu chứng, nhưng kết quả cho thấy rõ ràng rằng corticosteroid có liên quan đến sự tiến triển đáng kể của bệnh viêm xương khớp gối trong vòng hai năm sau tiêm và cần phải được sử dụng một cách thận trọng”, Upadhyay Bharadwaj cho biết.

Một nghiên cứu mới khác được trình bày gần đây tại cuộc họp thường niên của RCNA sử dụng phương pháp nghiên cứu tương tự, theo dõi các bệnh nhân của dự án Osteoarthritis Initiative trong hơn hai năm, nhưng tập trung vào những thay đổi có thể phát hiện được thông qua hình ảnh X-quang. Một lần nữa, nghiên cứu cho thấy bệnh tiến triển nặng hơn ở những bệnh nhân tiêm corticosteroid và cho thấy lợi ích điều trị tiềm năng lâu dài ở những bệnh nhân tiêm axit hyaluronic.

Azad Darbandi, Trường Y khoa Chicago thuộc Đại học Y khoa và Khoa học Rosalind Franklin, cho biết: “Mặc dù các kết quả hình ảnh đối với tất cả các bệnh nhân là đều giống nhau lúc ban đầu, nhưng xuất hiện dấu hiệu hình ảnh của viêm xương khớp tồi tệ hơn hai năm sau đó ở những bệnh nhân tiêm corticosteroid so với những bệnh nhân tiêm axit hyaluronic hoặc không điều trị gì cả. Kết quả gợi ý, tiêm axit hyaluronic nên được khám phá thêm để kiểm soát các triệu chứng viêm xương khớp gối và việc tiêm steroid cần được sử dụng thận trọng hơn”.

Những phát hiện mới này theo sau một nghiên cứu tương tự gần đây cho thấy việc sử dụng thời gian dài các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), chẳng hạn như naproxen hoặc ibuprofen, cũng có thể dẫn đến bệnh viêm xương khớp tiến triển nặng hơn. Mặc dù tất cả các nghiên cứu này dường như chỉ ra rằng các phương pháp điều trị chống viêm truyền thống đối với viêm xương khớp rất có khả năng không có lợi về lâu dài, nhưng các chuyên gia vẫn thận trọng không đưa ra bất kỳ kết luận nào về quan hệ nhân quả ở giai đoạn này.

Darbandi đã cho thấy những thay đổi trong cấu trúc khớp phát hiện qua hình ảnh ở bệnh nhân nhưng không có nghĩa là tình trạng bệnh của bệnh nhân đang trở nên tồi tệ hơn về mặt triệu chứng. Vì vậy, liệu những nghiên cứu này có phát hiện ra những thay đổi có ý nghĩa lâm sàng trong quá trình tiến triển của bệnh hay không vẫn là một câu hỏi mở. Darbandi cho biết: “Chúng ta có thể thấy đầu gối trở nên trông xấu đi trên phim chụp X quang, nhưng bệnh nhân có thể không có các triệu chứng tồi tệ hơn”.

Còn quá sớm để khẳng định việc tiêm corticosteroid là có hại. Nghiên cứu vẫn còn sơ bộ và nó vẫn có giá trị trong việc điều trị hiệu quả cơn đau cấp tính cho bệnh nhân. “Chúng tôi chưa có cơ sở sinh học để chứng minh rằng bản thân mũi tiêm đang gây ra tổn thương nhanh hơn nhưng đây là một vấn đề quan trọng, bởi vì việc tiêm steroid diễn ra khá phổ biến hiện nay”. Samuels nói.