Tiến sĩ Lê Tùng Linh và đồng nghiệp tại công ty Bonbouton (New York, Mỹ) vừa giới thiệu sản phẩm khẩu trang phòng chống virus làm bằng chất liệu graphene với nhiều cải tiến đáng chú ý, giúp chung tay cùng cộng đồng ngăn chặn bệnh dịch.

Lõi graphene kháng khuẩn 99%

Graphene là chất liệu được tìm thấy sẵn trong tự nhiên, chúng là các nguyên tử carbon được liên kết sp2 với nhau, giúp mang những đặc tính ưu việt như mỏng tựa giấy, cứng hơn thép, dẻo hơn nhựa và chống thấm rất tốt với nhiều loại chất lỏng và chất khí khác nhau.

Thấy được tiềm năng lớn từ graphene, Tiến sĩ Linh cùng cộng sự in vật liệu này ra miếng và tạo thành khẩu trang. Ý tưởng được hình thành từ tháng 5 khi dịch bệnh bùng phát nhiều nơi trên thế giới. Nhóm đã khẩn trương vẽ dựng máy tính, triển khai trong thực tế, thử nghiệm nhiều lần rồi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Cấu tạo 3 lớp của khẩu trang graphene giúp chống thấm và kháng khuẩn tốt.

Sản phẩm khẩu trang của nhóm được cấu tạo từ 3 lớp: hai lớp vải bông làm vỏ bên ngoài cùng lớp chất liệu graphene được tùy chỉnh làm lõi bên trong. Hai tấm vỏ được may nổi, giúp tránh tiếp xúc nhiều với da. Tại vùng mũi còn một mảnh nhỏ khác giúp người đeo kính mang khẩu trang không bị hầm hơi trong mắt.

Phần quan trọng nhất là tấm lọc được trộn graphene với một số hợp chất khác, nhóm phát triển mất rất nhiều thời gian để tạo ra công thức tốt nhất cho sản phẩm. Graphene được dùng có kích thước chỉ vài nanomet, nhỏ hơn cả sợi tóc người, giúp chống thấm tốt, ngăn chặn bụi bẩn và virus nhưng vẫn để người mang hít thở bình thường.

Trước khi ra mắt thị trường, sản phẩm được tạo rất nhiều phiên bản để đánh giá chất lượng. Ở các lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy khẩu trang graphene lọc được virus cảm cúm thông thường, các chủng virus PRV, PEDV gây bệnh ở động vật và dễ lây sang người.

Khẩu trang tái sử dụng 30 lần

Nhiều khách hàng đặt câu hỏi về khả năng chống SARS-CoV-2 của khẩu trang graphene. Tiến sĩ Linh cho biết hiện tại nhóm đang liên hệ với các trường đại học nhằm công bố nghiên cứu chính thức. Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây của Hội Hóa học Mỹ cũng chỉ ra graphene oxide kháng được virus gây Covid-19.

Tiến sĩ Lê Tùng Linh (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự tại Bonbouton.

Anh chia sẻ với Viện Công nghệ Stevens (Mỹ): “Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng công thức graphene độc quyền giúp sản phẩm của chúng tôi trở thành chiếc khẩu trang kháng khuẩn tốt nhất hiện tại, bảo vệ người đeo và cả những người xung quanh.”

Không chỉ vậy, khẩu trang có thể tái sử dụng nhiều lần để đảm bảo tính kinh tế và không gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường. Khi giặt, người sử dụng cởi bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi rửa lõi graphene qua nước và mang phơi khô. Mỗi chiếc khẩu trang có giá 25 USD (khoảng 580.000 đồng) sử dụng được 30 lần.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu cùng công ty Bonbouton do chính tiến sĩ sáng lập đang đẩy mạnh quá trình sản xuất, bán rộng rãi sản phẩm tại thị trường Mỹ và Canada. Tiến sĩ Linh cũng bật mí, khẩu trang graphene đã được cấp phép tại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua.

“Tôi cảm thấy rất vui vì mình được góp sức vì cộng đồng. Bên cạnh phát triển khẩu trang, chúng tôi cũng quyên đồ bảo hộ, vật tư y tế bằng công nghệ của công ty cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở Mỹ,” anh chia sẻ cảm xúc với phóng viên.

Công ty Bonbouton của Tiến sĩ Linh tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao để hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe. Trước khẩu trang kháng khuẩn, lõi graphene độc quyền đã nhận được 7 bằng sáng chế ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, như tạo miếng lót theo dõi bệnh tiểu đường, theo dõi tuần hoàn ở chi dưới.

Tại cuộc thi dành cho các dự án đổi mới sáng tạo của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, Bonbouton nhận 1 triệu USD giải thưởng cho sản phẩm xuất sắc nhất. Công ty cũng nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ Viện Stevens để cùng nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao.

Được thành lập từ năm 2014, thành công của Bonbouton là ví dụ tiêu biểu cho người trẻ Việt du học rồi khởi nghiệp ở nước ngoài. Không chỉ vậy, ho mang sản phẩm về quê hương vì hướng mục tiêu cao nhất vẫn là chất lượng sống chung của cả cộng đồng.

Nguồn: khampha.vn