Nghiên cứu mới cho thấy những người mắc chứng viêm mãn tính sống trong cảnh nghèo khó có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn gấp đôi và nguy cơ tử vong vì ung thư gần gấp ba trong vòng 15 năm tới. Những phát hiện trong nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trường Cao đẳng Y tế công cộng và chuyên gia sức khỏe tại Trường Đại học Florida, dựa trên các dữ liệu đại diện cho 95 triệu người Mỹ từ 40 tuổi trở lên.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết, mặc dù chứng viêm mãn tính và nghèo đói đều làm tăng nguy cơ tử vong, nhưng khi kết hợp lại, hai yếu tố này dường như có tác động hiệp đồng, tạo ra sự gia tăng rủi ro lớn hơn so với tác động riêng lẻ của hai yếu tố này. Phát hiện này của họ được đăng trên tạp chí Frontiers in Medicine.

GS.TS. Arch Mainous tại Trường Đại học Florida, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng hiện có cho thấy tình trạng viêm mãn tính có thể dẫn đến bệnh tật”. "Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến mối tương tác tiềm tàng giữa tình trạng viêm mãn tính với tình trạng nghèo đói, vốn có xu hướng làm tăng tình trạng viêm thông qua các yếu tố như căng thẳng mãn tính. Chúng tôi nhận thấy rằng tình trạng nghèo đói và mức độ viêm nhiễm cao có tác động hiệp lực, khiến cho những người mắc cả hai yếu tố về cơ bản sẽ bị nặng gấp đôi. Nó khiến họ có nhiều khả năng tử vong hơn và diễn ra trong một khoảng thời gian 15 năm".

Viêm cấp tính là một phần trong phản ứng miễn dịch ngắn hạn lành mạnh của cơ thể để chống lại nhiễm trùng, chất độc hoặc các chất lạ khác có thể xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng viêm mãn tính kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm và được chứng minh là làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như ung thư, bệnh tim, tiểu đường loại 2 và bệnh thận. Một nghiên cứu mới khác chỉ ra rằng 34,6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị viêm toàn thân.

Viêm mãn tính có thể do một loạt các yếu tố lối sống, sinh lý và môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn uống kém, căng thẳng, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc, lão hóa, béo phì, rối loạn tự miễn dịch và tiếp xúc với chất độc trong môi trường.

Những phát hiện từ nghiên cứu của Trường Đại học Florida nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm tra tình trạng viêm mãn tính định kỳ ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương để hạn chế những trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được trong nhiều trường hợp. Hiện tại, không có hướng dẫn lâm sàng để sàng lọc tình trạng viêm mãn tính.

Các nhà điều tra đã nghiên cứu chứng viêm mãn tính trong suốt 25 năm và do đó họ có rất nhiều dữ liệu về vai trò của nó trong con đường bệnh tật và tỷ lệ tử vong.  Đối với nghiên cứu của Trường Đại học Florida, các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, một cuộc khảo sát mang tính đại diện trên toàn quốc do Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Hoa Kỳ thực hiện, kết hợp các câu hỏi khảo sát với xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhóm đã phân tích dữ liệu thu thập được từ những người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên có thu nhập hộ gia đình thấp hơn mức nghèo của Hoa Kỳ và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy mức độ protein phản ứng tăng cao, một dấu hiệu của tình trạng viêm mãn tính. Các hồ sơ được liên kết với Chỉ số tử vong quốc gia để theo dõi tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian 15 năm. Kết quả là, những người mắc cả chứng viêm mãn tính và nghèo đói có nguy cơ tử vong vì bệnh tim tăng 127% và nguy cơ tử vong vì ung thư tăng 196%. Những người mắc chứng viêm mãn tính hoặc nghèo đói, nhưng không mắc cả hai yếu tố, có nguy cơ tử vong tăng khoảng 50% trong cùng thời kỳ. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị, đã đến lúc phải xem xét các vấn đề sức khỏe mà tình trạng viêm có thể gây ra để cố gắng khắc phục những vấn đề này.

Nguồn :trang Web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia