Các bệnh liên quan đến việc thoái hóa của não bộ đang dần trở thành một trong những quan tâm hàng đầu về vấn đề sức khỏe, đặc biệt là với sự nâng cao đời sống, kinh tế dẫn đến việc tuổi thọ của người dân tăng dần. Thoái hóa não bộ dẫn đến sa sút trí nhớ và sa sút trí tuệ và dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến trong cuộc sống. Hai loại bệnh tiêu biểu nhất của thoái hóa não bộ là Parkinson và Alzeihmer. Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh do sự chết chậm và dần dần các tế bào thần kinh não. Vùng của não bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển động con người, khi mắc bệnh cơ thể dần dần cứng lại, giật, dẫn đến hiện tượng không kiểm soát được sự cử động của bản thân. Hiện nay mới chỉ có các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh tuy nhiên chưa có thuốc đặc trị dứt điểm. Lúc đầu, các triệu chứng của Parkinson có thể bị nhầm 2 lẫn với người lão hóa bình thường và chỉ có thể chẩn đoán rõ ràng hơn trở khi bệnh đã chuyển sang tình trạng nghiêm trọng.

 

Vào thời điểm các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, người ta tin rằng 60% đến 80% của các tế bào thần kinh điều khiển việc hoạt động của cơ thể đều đã bị phá hủy. Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa gây ra một sự giảm dần chức năng nhận thức và trí nhớ. Dần dần, sự phá hủy của các tế bào thần kinh xảy ra trong vùng não liên quan đến trí nhớ và ngôn ngữ. Theo thời gian, người bệnh có xu hướng gia tăng khó khăn trong việc lưu trữ các sự kiện để nhận biết sự vật và khuôn mặt, để nhớ nghĩa của từ và thực hiện quyết định. Trong phần lớn các trường hợp bị bệnh, các triệu chứng xuất hiện sau tuổi 65 và tỷ lệ tăng rõ rệt với tuổi. Tuy nhiên, trái ngược với quá trình lão hóa, bệnh Alzheimer không phải là một hệ quả bình thường của quá trình lão hóa.

Một nghiên cứu của Viện Lão khoa cho thấy, tỷ lệ sa sút trí tuệ ở người cao tuổi Việt Nam xấp xỉ 5%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới (gần 4%). Việt Nam có hơn 9 triệu người bị sa sút trí tuệ mà dạng bệnh điển hình của nó là Alzheimer và Parkinson. Giống như xu hướng chung của thế giới, do tuổi thọ trung bình đang ngày càng nâng cao thì số người mắc chứng Alzheimer ở Việt Nam cũng đang tăng dần theo thời gian. Theo các chuyên gia, Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer chủ yếu biểu hiện là rối loạn trí nhớ, rối loạn chức năng nhận thức. Đây sẽ là vấn đề cực kì nghiêm trọng, khi tổ chức y tế Mỹ đã dự đoán đến năm 2050 sẽ có khoảng 50 triệu người mắc bệnh này và đây sẽ là một trong những bệnh gây ra tổn thất lớn nhất về kinh tế.

Những năm gần đây, tuy đã có rất nhiều chương trình trên thế giới nhằm tìm kiếm các thuốc mới, các biện pháp chữa bệnh mới nhằm điều trị các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương như trên, nhưng kết quả đạt được chưa khả quan, do cơ chế gây bệnh chưa được làm rõ, cũng như khó khăn trong việc xác định chính xác cơ chế tác động của thuốc. Tại Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về các nhóm bệnh này, tuy nhiên chỉ trên lĩnh vực y học với các tác động của bệnh trên bệnh nhân, cũng như các phương pháp điều trị. Gần như chưa có một công trình hoàn chỉnh nào đề cập đến việc tìm kiếm các tiền chất mới có khả năng ứng dụng trong việc điều trị các bệnh này.

Nhằm thực hiện các nghiên cứu ban đầu về việc tổng hợp các peptidomimetics dựa trên khung biaryl làm tiền đề cho việc tiến hành phát triển các cấu trúc mới có hoạt tính sinh học cao hơn, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS. TS. Mạc Đình Hùng làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Tổng hợp thư viện các hợp chất peptidomimetic phục vụ việc tìm kiếm thuốc mới chữa Parkinson và Alzheimer”.

Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đưa ra các đánh giá về các kết quả đã đạt được và kết luận như sau:

Đề tài đã thực hiện việc nghiên cứu tổng hợp, xác định cấu trúc, thử nghiệm hoạt tính sinh học của các chất peptidomimetics nhằm ứng dụng trong việc tìm kiếm thuốc mới chữa Alzheimer và Parkinson. Trong đề tài này, 2 họ dẫn xuất mới có cấu trúc giả peptide đã được nghiên cứu tổng hợp và bước đầu thử hoạt tính cho các kết quả khả quan. Bằng các phương pháp phổ hiện đại và phương pháp nhiễu xạ đơn tinh thể X-ray, đề tài đã xác định và chỉ ra các liên kết quan trọng trong cấu trúc của các chuỗi giả peptid dựa trên khung biaryl để từ đó có thể phát triển các cấu trúc tối ưu hơn trong việc tìm kiếm thuốc mới. Trong chuỗi giả peptide thứ 2, đề tài đã trình bày phương pháp tổng hợp các đơn vị macrocycle có chứa 2 đơn vị beta-amino acid có số nguyên tử trong vòng từ 9-13.

Đây là lần đầu tiên các cấu trúc này được tổng hợp. Việc tổng hợp thành công các cấu trúc này cho phép thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của các cấu trúc vòng lên các phân tử giả peptid nhằm thực hiện các thay đổi, đánh giá để có hoạt tính ức chế tốt nhất.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17840/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.