Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Đại học Maryland School of Medicine-Hoa Kỳ (UMSOM) dẫn đầu cho biết, trẻ em ở độ tuổi tiểu học ngủ ít hơn 9h mỗi đêm có sự khác biệt đáng kể ở một số vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ; trí thông minh và sức khỏe so với những trẻ ngủ đủ từ 9-12h mỗi đêm. Những khác biệt như vậy tương quan với các vấn đề sức khỏe tâm thần lớn hơn, như trầm cảm; lo lắng và hành vi bốc đồng; ở những trẻ thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc cũng có liên quan đến những khó khăn về nhận thức với trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12h mỗi đêm thường xuyên để tăng cường sức khỏe tối ưu. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào kiểm tra tác động lâu dài của việc ngủ không đủ giấc đối với sự phát triển nhận thức thần kinh của lứa tuổi thanh thiếu niên.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu được thu thập từ hơn 8.300 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi đã tham gia vào nghiên cứu Phát triển nhận thức não vị thành niên (ABCD). Họ kiểm tra hình ảnh MRI, hồ sơ y tế và khảo sát được hoàn thành bởi những người tham gia và cha mẹ của họ tại thời điểm ghi danh và trong một lần tái khám hai năm khi 11 đến 12 tuổi. Nghiên cứu ABCD là nghiên cứu dài hạn lớn nhất về sự phát triển trí não và sức khỏe trẻ em ở Hoa Kỳ, được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Giáo sư về X quang chẩn đoán và Y học hạt nhân tại UMSOM-Ze Wang cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra những đứa trẻ ngủ không đủ giấc, ít hơn 9h mỗi đêm, khi bắt đầu nghiên cứu có ít chất xám hơn hoặc khối lượng nhỏ hơn ở một số vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát sự chú ý, trí nhớ và ức chế so với những trẻ có giấc ngủ lành mạnh. Những khác biệt này vẫn tồn tại sau hai năm, một phát hiện liên quan cho thấy tác hại lâu dài đối với những người không ngủ đủ giấc”. Đây là một trong những phát hiện đầu tiên chứng minh tác động lâu dài của việc thiếu ngủ đối với sự phát triển nhận thức thần kinh ở trẻ em. Nó cũng hỗ trợ đáng kể cho các khuyến nghị hiện tại về giấc ngủ ở trẻ em.
Trong các đánh giá tiếp theo, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ở nhóm ngủ đủ giấc có xu hướng dần dần ngủ ít hơn trong vòng hai năm, điều này là bình thường khi trẻ bước sang tuổi thiếu niên, trong khi nhóm ngủ không đủ giấc không có thay đổi nhiều. Họ đã kiểm soát tình trạng kinh tế xã hội; giới tính; tình trạng dậy thì và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ của trẻ cũng như ảnh hưởng đến não và nhận thức.
Tiến sĩ Ze Wang nói rằng: “Chúng tôi đã cố gắng kết hợp hai nhóm càng chặt chẽ càng tốt để giúp hiểu đầy đủ hơn về tác động lâu dài của việc ngủ quá ít đối với não trước tuổi vị thành niên. Các nghiên cứu bổ sung là cần thiết để xác nhận phát hiện và xem liệu bất kỳ biện pháp can thiệp nào có thể cải thiện thói quen ngủ và đảo ngược các thiếu hụt thần kinh”.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích các bậc cha mẹ thúc đẩy thói quen ngủ tốt ở con cái của họ. Những lời khuyên bao gồm đặt giấc ngủ đủ trở thành ưu tiên của gia đình, tuân thủ thói quen ngủ đều đặn, khuyến khích hoạt động thể chất trong ngày, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị và loại bỏ hoàn toàn màn hình một giờ trước khi đi ngủ.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health.