Ngày 22/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

 

Hội nghị về triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 16/1/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Xây dựng hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Chiến lược là: (i) Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%; (ii) Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%; (iii) Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ NN&PTNT cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030; (iv) Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT trong việc huy động nguồn lực đầu tư khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), hiện nguồn tài chính cho khoa học và công nghệ không thiếu nhưng nằm ở những đầu mối khác nhau như các chương trình quốc gia, nguồn từ địa phương, nguồn từ các doanh nghiệp trong khi ở Bộ NN&PTNT chỉ một phần nhỏ nhưng việc khai thác bên ngoài Bộ NN&PTNT còn rất yếu. Vai trò của các cơ quan trong Bộ NN&PTNT, các cục, đơn vị, các trung tâm, các viện, các trường và khối các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Nếu không đổi mới tư duy thì việc huy động nguồn lực bên ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn. GS. Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, Chiến lược đã cụ thể hóa chi tiết kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, vấn đề là cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thể chế khoa học và công nghệ trong nông nghiệp: Để khoa học và công nghệ phát triển thì việc giải phóng được nguồn lực là rất quan trọng tuy nhiên, việc này không dễ. Bộ NN&PTNT cũng đã có sáng kiến là xây dựng cơ chế thí điểm để đề xuất các cấp có thẩm quyền thay đổi luật và các văn bản dưới luật để phát huy tiềm lực của khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian qua. Cụ thể hóa Chiến lược, các đơn vị trực thuộc cũng như các viện, trường phải nhận thức rõ và cụ thể hóa bằng hành động trong lĩnh vực mình quản lý. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận: Tại sao các doanh nghiệp phải đi thuê đất, vay vốn ngân hàng bỏ tiền thuê chuyên gia vẫn làm có hiệu quả. Nhà nước giao cơ sở vật chất, chi trả lương cho nghiên cứu khoa học thì các đơn vị, viện, trường phải nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, phải thay đổi tư duy của thời bao cấp. Chúng ta đã có Chiến lược của các lĩnh vực ngành hàng, hàng năm phải rà soát để khi tổng kết phải chỉ ra những gì đạt được, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, trong đó những giải pháp về khoa học công nghệ là giải pháp rất quan trọng. Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng cần có sự đóng góp tích cực hơn nữa của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%...