Dị ứng trứng khá phổ biến ở trẻ em, nhưng giờ đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã tác động đến vấn đề này nhờ sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen để tạo ra một loại trứng gà có thể an toàn cho những người bị dị ứng do ăn trứng.

 

Dị ứng là do phản ứng thái quá của hệ miễn dịch với protein có trong trứng. Một người có thể bị dị ứng lòng trắng hoặc lòng đỏ, nhưng dị ứng với lòng trắng phổ biến hơn. Thông thường, trẻ em hết dị ứng trứng trước tuổi vị thành niên.

Các triệu chứng dị ứng trứng ở mỗi người sẽ khác nhau, chẳng hạn viêm da hoặc nổi mề đay, nghẹt mũi, sổ mũi và hắt hơi, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn và khó thở. Trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng con người nên cần được điều trị y tế ngay lập tức.

Rất nhiều sản phẩm thực phẩm có chứa trứng, bột trứng hoặc trứng khô, bao gồm thực phẩm tẩm bột và nghiền, nước xốt salad Caesar, bánh crepe và bánh quế, kem, kẹo, thịt viên, kẹo dẻo và bánh hạnh nhân. Ngoài ra, hầu hết các loại vắc-xin cúm được sản xuất bằng công nghệ dựa trên trứng.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen có tên là TALEN để tạo ra quả trứng gà không chứa loại protein ovomucoid (OVM) rắc rối, chiếm khoảng 11% tổng số protein trong lòng trắng trứng.

Các nhân hiệu ứng giống như bộ kích hoạt phiên mã (TALEN) là các enzym nhân tạo được thiết kế để cắt DNA theo một trình tự cụ thể, phá vỡ các sợi kép của nó. Khi các sợi bị đứt, tế bào sẽ phản ứng lại bằng cách bắt đầu cơ chế sửa chữa để cả hai đầu sợi bị đứt kết nối lại.

Công nghệ chỉnh sửa gen khác như CRISPR, có thể tạo ra các hiệu ứng "ngoài mục tiêu", nghĩa là quá trình chỉnh sửa sẽ thúc đẩy các đột biến mới. Trong trường hợp này, vấn đề với các hiệu ứng ngoài mục tiêu là khả năng tạo ra các biến thể đột biến của protein OVM vẫn có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế công nghệ TALEN để loại bỏ một đoạn RNA của gà mái gọi là exon 1, mã hóa các protein cụ thể. Trứng loại bỏ OVM do gà mái đẻ ra, đã được thử nghiệm để tìm ra sự hiện diện của protein OVM, protein OVM đột biến và bất kỳ tác động ngoài mục tiêu nào khác. Kết quả cho thấy những quả trứng không có dấu hiệu bất thường và không chứa dấu vết của OVM hoặc các biến thể đột biến của protein. Mặc dù toàn bộ trình tự bộ gen của những quả trứng bị biến đổi đã có đột biến, thể hiện những tác động ngoài mục tiêu, nhưng chúng không ảnh hưởng đến các vùng mã hóa protein.

Theo Ryo Ezaki, tác giả chính của nghiên cứu, giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các đặc tính vật lý và khả năng xử lý phù hợp của trứng đã loại bỏ OVM, đồng thời xác nhận hiệu quả của chúng thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó, các tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng thực tế của trứng giảm dị ứng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology.