Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo cuả Cục Phòng chống HIV/AIDS, vào năm 2012 có 208.866 người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2012, có khoảng 8% trong tổng số 180.000 trường hợp mắc lao mới hàng năm ở Việt Nam là bệnh nhân đồng nhiễm HIV (khoảng 14.400 trường hợp). Như vậy tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV là 8.000/100.000, cao hơn khoảng 40 lần so với người không nhiễm HIV. Điều này cho thấy nguy cơ mắc lao và tái mắc lao (bao gồm tái phát và tái nhiễm) ở người nhiễm HIV tại Việt Nam là rất cao. Tái mắc (Recurrent) là trưởng hợp khi bệnh nhân bị mắc lao sau khi đã điều trị khỏi. Tái mắc lao có thể do tái phát hoặc tái nhiễm. Tái phát (Relapse) là do bệnh lao cũ tái phát trở lại (chủng vi khuẩn lao trước đây đã gây bệnh) còn Tái nhiễm (Reinfection) là do tái nhiễm với chủng lao mới (chủng lao mới so với chủng lao trước đây đã gây bệnh).

 

Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ tái phát bệnh lao dạng bệnh tiềm ẩn thành dạng bệnh hoạt động, đẩy nhanh sự phát triển bệnh sau khi mắc bệnh lần đầu hoặc tái nhiễm. Tỷ lệ tái mắc lao ở bệnh nhân HIV (+) tại Việt Nam là 21% theo số liệu từ nghiên cứu năm 2003, tại Nam Phi năm 2010 là 24,4%. Các yếu tố nguy cơ gây tái phát và tái nhiễm lao ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao bao gồm: Kém tuân thủ điều trị; Bệnh nhân HIV/AIDS ở giai đoạn muộn; Bệnh nhân không được phối hợp điều trị HIV; Hội chứng viêm do phục hồi miễn dịch (IRIS); Vi khuẩn lao kháng thuốc; Mức độ phơi nhiễm sau khi điều trị; Điều kiện chăm sóc y tế; Các yếu tố dịch tễ; Dòng vi khuẩn lao thích nghi trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch... Tuy nhiên những nghiên cứu về nhóm đối tượng này còn chưa nhiều, nhiều thông tin còn bỏ ngỏ hoặc thiếu thông tin.

Nhằm xác định tỷ lệ tái phát, tái mắc và tìm hiểu yếu tố nguy cơ tái mắc lao ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam để từ đó có thể xây dựng chiến lược kiểm soát bệnh lao ở bệnh nhân lao/HIV cũng như cung cấp thông tin di truyền quần thể chủng vi khuẩn lao trên quần thể bệnh nhân HIV (+), phát hiện nguy cơ lây truyền và phát tán của các chủng vi khuẩn lao khác nhau, đặc biệt là các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc trên nhóm bệnh nhân này, nhóm nghiên cứu, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, do GS. TS. Nguyễn Trần Hiển làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Tỷ lệ tái phát, tái nhiễm lao và yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra những kết luận như sau: 

- Nghiên cứu này không phát hiện được bệnh nhân lao mới đồng nhiễm HIV nào có tái phát hoặc tái nhiễm lao sau khi kết thúc điều trị lao trên cỡ mẫu 35 bệnh nhân theo dõi được tới thời điểm 12 tháng.

-  Nghiên cứu do vậy không xác định yếu tố nguy cơ gây tái nhiễm và tái phát bệnh lao ở bệnh nhân mắc lao mới đồng nhiễm HIV.

-  Đặc điểm của bệnh nhân lao mới đồng nhiễm lao/HIV bao gồm:

+ Có biểu hiện lâm sàng chính là sốt (77,7%), sụt cân (75,3%), đổ mồ hôi đêm (45,1%).

+ Đa phần là nam (78,7%), độ tuổi từ 25-45 (80,7%), phần lớn có trình độ học vấn thấp từ phổ thông cơ sở trở xuống (65,9%), điều kiện kinh tế khó khăn khá cao (34,1%), tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới 27,7% và gần một nửa sống độc thân (41,6%).

- Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi nguy cơ gây mắc lao và đồng nhiễm HIV cao, trong đó hút thuốc (58,5%), uống rượu (33,7%), sử dụng chất gây nghiện (34,2%), dùng chung bơm kim tiêm (28,4%) và tình dục không an toàn (37,1%).

- Chủng vi khuẩn M. tuberculosis phân lập từ bệnh nhân có tỷ lệ kháng với ít nhất 1 loại thuốc lên tới 61,5%. Tỷ lệ kháng với hơn một loại thuốc là 29,2%. Mặc dù GeneXpert xác định toàn bộ bệnh nhân nghiên cứu đều nhạy cảm với rifampicin, kháng sinh đồ bằng phương pháp nuôi cấy xác định 1 trường hợp đa kháng thuốc, và giải trình tự toàn bộ hệ gen xác định 7 trường hợp đa kháng thuốc. Phát hiện này cho thấy sàng lọc bằng GeneXpert có thể bỏ sót nhiều trường hợp đa kháng thuốc…

- Chủng M. tuberculosis phân lập từ bệnh nhân lao mới đồng nhiễm HIV đa phần thuộc 3 dòng chính là dòng Beijing (66,7%) và dòng EAI (26,2%) và dòng Euro-American (6,2%), với phân bố khác nhau tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ tạo cụm phân tử của chủng dòng Beijing là 10,8%, EAI và các dòng khác có tỷ lệ tạo cụm là 0%, cho thấy khả năng lan truyền mạnh của chủng dòng Beijing trong quần thể bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV.

Nhóm đề tài kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu với thời gian dài hơn và cần đầu tư hơn về nhân lực và kinh phí để có đủ cỡ mẫu với số lượng theo dõi đủ lớn để có thể tăng cường giám sát, theo dõi bệnh nhân sau điều trị lao để xác định được tỷ lệ tái phát và tái nhiễm lao. Tăng cường sàng lọc HIV ở bệnh nhân mắc lao và sàng lọc lao trong người nhiễm HIV để phát hiện và điều trị lao và HIV đồng bộ, kịp thời. Tập trung nguồn lực cho việc giám sát phát hiện và điều trị sớm lao/HIV ở những đối tượng nghèo, độc thân, trẻ và thất nghiệp, kinh tế khó khăn. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện hành vi an toàn trong phòng chống HIV/AIDS và các nhiễm trùng qua đường tình dục cho những người đồng nhiễm lao/HIV. Tăng cường xét nghiệm kháng sinh đồ lao bằng phương pháp phân tử phát hiện các trường hợp lao kháng thuốc để áp dụng phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18232/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.