Chiều 29/5/2024, triển khai chương trình công tác năm 2024, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm “Ứng dụng AI trong cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và kinh nghiệm cho Bộ Ngoại giao” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với xu thế phát triển của thế giới, chuyển đổi số là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ then chốt để thực hiện chuyển đổi số. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan đã sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, theo đó đặt mục tiêu 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Trong ngành Ngoại giao, việc ứng dụng AI trong hoạt động của Bộ Ngoại giao đã được nêu trong nghị quyết và chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (năm 2023).

Phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, AI là công cụ rất hữu ích giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong xử lý công việc, tuy vậy việc sử dụng và kiểm soát AI như thế nào thì cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ và triển khai thí điểm. Buổi tọa đàm là dịp Bộ Ngoại giao nhận được các ý kiến tư vấn, gợi ý, đề xuất, kiến nghị cụ thể trong việc triển khai ứng dụng AI trong hoạt động của Bộ từ các chuyên gia, cũng như ý kiến của các đơn vị.

Tại buổi toạ đàm, các diễn giả là đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày các tham luận về sự phát triển của AI, các gợi ý ứng dụng trong hoạt động của Bộ Ngoại giao và trả lời các câu hỏi từ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao liên quan chủ đề này. Các ý kiến tại toạ đàm sẽ là tiền đề cho các bước tiếp theo nhằm nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI trong các hoạt động của Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề xuất, kiến nghị cụ thể của các đơn vị.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia