Thái Nguyên và Lạng Sơn là hai tỉnh thuộc Vùng núi và Trung du phía Bắc Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, dân số tỉnh Thái Nguyên tính đến ngày 1/4/2019 là gần 1.287 nghìn người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 31,9% và dân số khu vực nông thôn khoảng 69,1%, tỷ số giới tính khi sinh là 111,3/100 (nam/nữ), giảm 4,2 điểm chênh lệch so với năm 2017. Tỉnh Lạng Sơn là tỉnh vùng biên có đường biên giới phía bắc giáp với nước bạn Trung Quốc, các mặt còn lại là đường ranh giới tỉnh giao với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tính đến tháng 4/2019, dân số tỉnh Lạng Sơn khoảng 781.655 người trong đó có 159.670 người sống ở thành thị (20,4%) và 621.985 người sống ở nông thôn (79,6%). Quá trình đô thị hoá cùng việc dân số tăng, di cư chính thức, di cư tạm thời, di cư tự do đã gây sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… gây ra tác động lớn đối với các qui hoạch, kế hoạch hay định hướng phát triển kinh tế xã hội. Ngày nay, GIS đã được áp dụng nhiều và trở thành công cụ trợ giúp quyết định trong hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối phó thảm hoạ... GIS có khả năng trợ giúp các cơ quan chính phủ, các nhà quản lí, nghiên cứu... đánh giá được hiện trạng, các thực thể tự nhiên, kinh tế - xã hội thông qua các chức năng thu thập, quản lí, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin được gắn với một nền bản đồ số nhất quán trên cơ sở toạ độ của các dữ liệu bản đồ đầu vào. Vì vậy, một hệ thống cơ sở dữ liệu cùng với những nghiên cứu chi tiết về dân số, dân cư, làm rõ sự phân hoá dân số theo không gian và các biến động dân số theo thời gian sẽ góp phần làm sáng rõ những vấn để về dân cư của hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Hệ thống này được xây dựng thì cần thiết phải có sự hỗ trợ của GIS và bản đồ.

 

Các nghiên cứu về dân cư ở Việt Nam Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính hay sự già hóa dân số sau khi đã trải qua một thời kỳ “dân số Vàng” tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tháp độ tuổi dân số. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý cơ sở dữ liệu và bản đồ dân số Các số liệu thống kê về kinh tế - xã hội và dân cư đã đượcTrần Trọng Đức, Bùi Thị Hồng Đào đề cập tới trong nghiên cứu Ứng dụng GIS trong quản lý, phân tích và trình bày số liệu thống kê kinh tế - xã hội. Tác giả Lê Minh Chương - Trung tâm tin học thống kê khu vực II nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng GIS. Áp dụng công nghệ GIS trong xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu về dân số và xê ri bản đồ điện tử về dân số cũng đã được nghiên cứu trong một số công trình luận án.

Nhằm nghiên cứu các vấn đề về dân cư tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn phục vụ lập quy hoạch, kế hoạch, hoạch định chính sách và định hướng phát triển của tỉnh, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Hòa - Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - đã đề xuất thực hiện đề tài: “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và bản đồ nghiên cứu vấn đề dân cư tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra kết luận như sau:

1. Dân số

Gia tăng dân số tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn không lớn và có xu hướng giảm dần. Có được việc này là do ảnh hưởng của chính sách dân số của nhà nước cùng với đó là sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng dân số, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cả hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng xu hướng dân số có độ tuổi cao không ngừng tăng trong những năm gần đây cho thấy dân số hai tỉnh đang có chiều hướng già hoá dân số.

2. Phân bố dân cư

Dân cư 2 tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn cư trú đông đúc tại các khu vực thành thị, đặc biệt tại các khu vực TP. Thái Nguyên và TP. Lạng Sơn mật độ dân số lên đến hơn 1.000 người/km2. Thái Nguyên cũng là một tỉnh có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong khi đó tỉnh Lạng Sơn có tốc độ đô thị hoá chậm hơn, số người sống ở khu vực thành thị chỉ chiếm 19,46% dân số toàn tỉnh; còn lại dân cư chủ yếu cư trú ở khu vực nông thôn. Tỉnh Thái Nguyên có dân tộc Kinh và dân tộc Tày có số dân đông nhất trong tỉnh. Vì vậy, địa bàn tập trung đông đúc người dân của hai dân tộc là vùng đồng bằng và trung du. Tỉnh Lạng Sơn lại là địa bàn cư trú chính của dân tộc Nùng, Tày, còn người Kinh chỉ là dân tộc có số dân đông thứ 3 toàn tỉnh. Cùng với người Kinh, họ sinh sống chủ yếu ở các khu vực thấp, bằng phẳng thuộc khu vực I vùng miền núi, các dân tộc còn lại phân bố rải rác khắp các huyện, thị trong tỉnh.

3. Di cư

Di cư ngoại tỉnh ở tỉnh Thái Nguyên có xu hướng tăng mạnh loại hình di cư Nông thôn - Thành thị, thành phần chủ yếu là các lao động người Kinh từ các nơi đổ về làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc tỉnh Thái Nguyên. Đối với tỉnh Lạng Sơn, di cư ngoại tỉnh Lạng Sơn mang đậm yếu tố xuất cư là chủ yếu, loại hình di cư chính trong giai đoạn này là Nông thôn - Nông thôn gắn với việc phát triển các vùng trồng cây công nghiệp đặc biệt là cà phê, cao su.

4. Ứng dụng GIS trong nghiên cứu dân cư

GIS có đầy đủ công cụ, thế mạnh trong việc phân tích các cơ sở dữ liệu, các thuật toán có sẵn của mình để đưa ra được mức độ ảnh hưởng lẫn nhau giữa các trường dữ liệu, xây dựng mô hình, dự báo xu hướng tác động...

Như vậy, tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn cần xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu về phân bố dân cư và di cư chi tiết. Hai tỉnh cũng cần phải tiến hành cơ cấu hợp lý về bộ máy chuyên trách về dân cư, dân số và thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển vùng miền núi và dân tộc thiểu số, các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình Nông thôn mới, chương trình 135, chương trình dạy nghề lao động nông thôn... chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đạt được đầu tư tối ưu, tránh dàn trải, bất cập và thiếu tính thống nhất.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18540/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn:Từ trang web:vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc gia