Ngày 13/6/2024, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, thời gian qua, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong một số lĩnh vực đã được các bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện. Theo Thứ trưởng, bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, KH&CN nói chung và lĩnh vực KH&CN hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhờ sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước. Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng sẽ là công cụ quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình có đóng góp tích cực, trực tiếp và hiệu quả cho phát triển đất nước trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời đề ra định hướng và phương án đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu KH&CN hạt nhân, các cơ sở ứng dụng và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, là căn cứ để hoạch định các chính sách và kiến tạo động lực phát triển, xây dựng kế hoạch, giải pháp và huy động nguồn lực thực hiện.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năng lượng nguyên tử cũng đã bước đầu được ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thống, như y tế, sản xuất công nghiệp. Theo thống kê, đến nay tại Bến Tre có 62 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán, 3 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ và 1 cơ sở sử dụng máy phát tia X, 13 thiết bị bức xạ ứng dụng trong công nghiệp. Trong các lĩnh vực khác, như nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử để phát triển vẫn còn nhiều tiềm năng. Công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ được Sở KH&CN tỉnh Bến Tre phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân triển khai thực hiện có hiệu quả. Ông Trần Ngọc Tam mong muốn có những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội để áp dụng tại Bến Tre nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung ở các ngành, lĩnh vực khác nhau; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và công tác chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có xảy ra, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường...

Theo bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong thời gian qua, bên cạnh sự phát triển về tiềm lực và hoàn thiện thể chế, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội đáng kể. Một trong những thành tựu nổi bật là trong y tế với việc phát triển mạng lưới các cơ sở X-quang đã triển khai tới tuyến huyện. Cả nước hiện có 48 cơ sở y học hạt nhân với hơn 40 thiết bị xạ hình (đạt tỷ lệ khoảng 0,4 thiết bị/1 triệu dân); 46 cơ sở xạ trị được trang bị gần 100 thiết bị (đạt tỷ lệ 1 thiết bị/1 triệu dân) trong cả nước; nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị hiệu quả bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo, như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa. Sản xuất dược chất phóng xạ y tế từng bước được tự chủ với năng lực sản xuất trong nước đạt 1000Ci/năm trên lò phản ứng nghiên cứu và 350Ci/năm trên 5 hệ thống máy gia tốc.

Năng lực ứng dụng công nghệ y học hạt nhân của Việt Nam hiện ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực châu Á, đạt trên trung bình so với khu vực Đông Nam Á. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là quốc gia đứng thứ 8 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống bằng chiếu xạ gây đột biến với một số giống cây chủ lực như lúa gạo. Có thể kể đến một ví dụ là giống lúa ST25 đã 2 lần nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới là một giống lúa được tạo ra bằng chiếu xạ. Tính đến năm 2023, chúng ta đã tạo ra và gieo trồng khoảng 80 giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu hạn, úng và kháng bệnh cao. Cả nước hiện có 14 cơ sở chiếu xạ công nghiệp, trong đó chiếu xạ nông thủy sản đã phục vụ hiệu quả cho xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia,… Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kỹ thuật thủy văn đồng vị đã góp phần quan trọng trong đánh giá trữ lượng, nguồn bổ cập của nguồn tài nguyên nước ngầm, cũng như đánh giá an toàn công trình đập thủy điện, ứng dụng để đánh giá sa bồi cảng biển, bồi lấp lòng hồ đập thủy điện, đánh giá xói mòn đất, thử nghiệm trong ngành dầu khí giúp tăng cường hiệu suất thu hồi dầu. Ngoài ra trong các ngành lĩnh vực khác của đời sống công nghệ bức xạ đã tạo ra nhiều chế phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, thân thiện môi trường như chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật, thức ăn nuôi tôm, gia cường đặc tính dây cáp điện bằng khâu mạch bức xạ.

Nguồn:Từ trang web::vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN.quốc gia