Ngày 18/7/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo với chủ đề: “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác quản lý nhà nước”. Chương trình thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

 

Quang cảnh sự kiện

Theo ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, kế hoạch của TP. Hồ Chí Minh về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022 - 2025 nói chung và chuyển đổi số nói riêng. Đồng thời khẳng định đây là động lực chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người dân thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền và nâng cao năng lực quản lý, sáng tạo của các cán bộ công chức, viên chức TP. Hồ Chí Minh.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình cần có sự gắn kết giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Chương trình phải đảm bảo hướng đến mục tiêu xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp thông tin tự động cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và cải tiến hoạt động công chức, viên chức và người lao động trong nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của người dân hoặc giải quyết các vấn đề khu vực công của các sở, ban ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức. 

Theo các chuyên gia, công nghệ AI là một bước tiến lớn của con người. Vì ngoài các hoạt động lặp lại đơn giãn, giờ đây AI có thể thực hiện các công việc phức tạp mà chỉ có con người mới có thể làm được. AI có tiềm năng rất lớn trong việc cung cấp các giải pháp thông minh, tối ưu hóa quy trình và cung cấp thông tin quan trọng cho công tác quản lý. Hiện nay, người dân tìm kiếm thông tin thường tra cứu Google, Bing hay trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị hay điện thoại tới cơ quan, đơn vị; gửi email, công văn, gặp trực tiếp và gọi hỏi thông tin. Các công chức cũng tìm kiếm thông tin trên Google, trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị; văn bản; thực hiện công vụ soạn văn bản, bài tham luận, bài phát biểu, phân tích, đánh giá, ra quyết định thông qua các giải pháp về công nghệ… Trước mắt, đây là kênh thông tin duy nhất, tương đối đầy đủ, kịp thời và chính xác… Song, về lâu dài cần có những mô hình ứng dụng AI để hiện thực hóa một số hoạt động, trong đó có các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tại sự kiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng gợi ý và đặt hàng các chuyên gia, viện, trường, các doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện mô hình ứng dụng AI trong thực hiện hỏi đáp thông tin, trả lời các thông tin từ người dân, doanh nghiệp; trả lời thông tin từ công chức, viên chức hay mô hình AI hỗ trợ công việc - soạn văn bản - tạo báo cáo, tham luận - phân tích dữ liệu - hỗ trợ ra quyết định - tích hợp OCR, Voice…

Nguồn :Từ trang web :vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc tế