Các loại vắc xin COVID-19 hiện có sẵn dựa trên các sợi mRNA để “dạy” hệ thống miễn dịch của con người nhận ra vi rút SARS-CoV-2. Báo cáo trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases mới đây cho thấy, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát triển thành công của một loại vắc-xin sử dụng ADN mã hóa protein đột biến của vi rút.

Cả vắc xin ADN và mRNA đều sử dụng vật liệu di truyền mã hóa một phần của vi rút để tạo ra phản ứng miễn dịch, tuy nhiên vắc xin ADN có thể được sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn và không cần bảo quản nhiệt độ lạnh khi vận chuyển. Các thử nghiệm lâm sàng gần đây đã chỉ ra rằng vắc xin ADN an toàn và hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng bao gồm HIV-1, vi rút Zika, vi rút Ebola và vi rút cúm.

Trong nghiên cứu mới, Shih-Jen Liu và Hsin-Wei Chen thuộc Viện Nghiên cứu Y tế (Đài Loan - Trung Quốc), và các đồng nghiệp của họ đã phát triển được một loại vắc-xin sử dụng ADN mã hóa protein đột biến SARS-CoV-2. Để khắc phục sự vận chuyển kém của ADN vào các tế bào thường thấy đối với vắc-xin ADN, nhóm nghiên cứu đã kết hợp công nghệ electroporation (công nghệ sử dụng dòng diện dịch chuyển) để phân phối vắc-xin ADN.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuột và chuột hamster được chủng ngừa bằng vắc-xin ADN mới này đã phát triển các kháng thể lâu dài chống lại protein đột biến SARS-CoV-2. Những kháng thể đó đạt đỉnh vào 8 tuần sau khi chủng ngừa, mức độ vẫn tương đối cao ở tuần 20. Những con chuột đồng được chủng ngừa hai mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tuần và được cho tiếp xúc với COVID-19 sau 7 tuần. Kết quả cho thấy, chúng đã được vắc xin bảo vệ khỏi vi rút, không bị giảm trọng lượng và trong phổi của chúng ít ARN virus hơn so với những con chuột không được chủng ngừa.

Các tác giả cho biết thêm: “Vắc xin ADN ổn định nhiệt, không cần dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin và có thể tạo ra hàm lượng kháng thể trung hòa kéo dài ở mức cao chống lại SARS-CoV-2. Vắc xin ADN này cũng mang lại hiệu quả bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 ở chuột hamster Syria - mô hình động vật mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng”.

Nguồn: P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-05-dna-vaccines-covid-effective-mice.html, 27/5/2021