Vaccine Covid-19 của AstraZeneca là vaccine tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Do Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca (Anh) đồng phát triển, vaccine này đã được cấp phép ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vaccine của AstraZeneca dựa trên nền tảng vector virus. So với những vaccine dựa trên công nghệ mRNA, những vaccine sử dụng công nghệ vector virus có lợi thế ở chỗ có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, do đó dễ vận chuyển và phân phối ở các nước đang phát triển.
Vương quốc Anh đã phê duyệt vaccine của AstraZeneca từ tháng 1/2021. Ngày 15/2, WHO cũng phê duyệt vaccine này. Đây cũng là vaccine chủ chốt trong sáng kiến COVAX nhằm phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Anh, Brazil và Nam Phi đã công bố cho thấy vaccine của AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19, với hiệu lực đạt 76% sau mũi tiêm đầu tiên. Hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến mũi tiêm thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 82%.
Một thử nghiệm giai đoạn III, được công bố trên tờ The Lancet, cũng đã xác nhận vaccine của Astra Zeneca bảo vệ 100% khỏi các trường hợp bệnh tiến triển nặng, phải nhập viện và tử vong; và không có trường hợp bệnh tiến triển nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau mũi tiêm đầu tiên.
Các phân tích dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hằng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh đến nay cũng cho thấy vaccine có khả năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus.
Tuy nhiên, trong một thử nghiệm trên 2.000 người ở Nam Phi, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11/2020, vaccine AstraZeneca chỉ đạt hiệu quả 21,9%. Sau khi tiêm đủ hai mũi, có 19 trường hợp mắc bệnh nhẹ hoặc trung bình trong nhóm nhận vaccine, so với 23 trường hợp ở nhóm nhận giả dược. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 50% cần thiết để vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia. Nhưng không có đối tượng nào trong cả hai nhóm vaccine và giả dược phát triển bệnh nặng hoặc phải nhập viện. Giải trình tự các virus đã lây nhiễm cho những người tham gia thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ hiệu quả thấp của vaccine với sự bùng nổ của biến thể B.1.351 ở Nam Phi.
Ở Ấn Độ, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Delhi đã được tiêm vaccine Covishield, một phiên bản Ấn Độ của vaccine Oxford - AstraZeneca, vẫn bị tái nhiễm, hầu hết mắc chủng biến thể B.1.617.
Hơn 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam ngày 16/5 thông qua sáng kiến COVAX. Ảnh: WHO
Vaccine AstraZeneca có an toàn không?
Trong các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng để đánh giá vaccine, 38% số người được tiêm đã báo cáo ít nhất một tác dụng phụ, chủ yếu là đau tại vị trí tiêm, nhức đầu hoặc sốt nhẹ. Các "tác dụng phụ" tương tự cũng xuất hiện ở 28% những người trong nhóm được tiêm giả dược.
Vào tháng 3/2021, một số quốc gia châu Âu đã tạm dừng tiêm vaccine này do xuất hiện một số trường hợp đông máu xảy ra sau khi tiêm. Tuy nhiên, rất sớm sau đó, các nước này lại tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca, sau khi Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) kết luận vaccine này “an toàn và hiệu quả”.
Đến nay, đã có thêm những bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và tác dụng phụ đông máu, và vào ngày 7/4, Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) cũng thừa nhận, "có thể có mối liên hệ nhân quả" giữa hội chứng đông máu và vaccine của AstraZeneca.
Một số nhà nghiên cứu đang kêu gọi thử nghiệm giảm một nửa liều khi tiêm vaccine AstraZeneca. Trong thử nghiệm giai đoạn III của AstraZeneca ở Vương quốc Anh, một số ít người vô tình nhận được liều thấp hơn và nhìn chung nhóm này ít gặp các tác dụng phụ phổ biến hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, tác dụng phụ phổ biến ít xuất hiện hơn khi tiêm nửa liều không có nghĩa là các tác dụng phụ rất hiếm gặp cũng sẽ ít xuất hiện hơn. Nhưng nếu tiêm nửa liều giúp giảm tác dụng phụ hiếm gặp, thì tin xấu về tác dụng phụ đông máu của vaccine có thể trở thành tin tốt: Nguồn cung vaccine phục vụ tiêm chủng sẽ tăng gấp đôi so với dự tính hiện nay - và ít gây tác dụng phụ hơn.
Ngày 1/2/2021, Việt Nam chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 của Oxford/AstraZeneca theo quyết định số 973/QĐ-BYT của Bộ Y Tế. Chín điều kiện đi kèm việc cấp phép này nhấn mạnh công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả của lô vaccine khi nhập khẩu và quản trị rủi ro trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam. Công ty AstraZeneca đang hợp tác với Hệ thống trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC để cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều (đủ tiêm cho 15 triệu người).
Đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca qua nguồn nhập khẩu và sáng kiến COVAX. Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca, do công ty VNVC nhập khẩu và phân phối.
Nguồn: khoahocphattrien.vn