Ngày 9/10/2020, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình các vấn đề giới (CPGAP) thuộc Kế hoạch Colombo tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò giới trong gia đình hiện đại” (Gender Roles in the Modern Family).
Hội thảo là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò giới trong thực hiện các chức năng gia đình hiện đại. Đó là, nâng cao quyền năng của phụ nữ và vai trò giới trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; thúc đẩy việc tham gia, chia sẻ việc nhà của nam giới. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị về mặt chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự bền vững trong gia đình.
Tham dự hội thảo có bà Prasadi Bomma-Walag-Thư ký số 3, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam. Về phía Hội LHPN Việt Nam có bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam; TS. Phan Kiều Thu, Tổng Thư ký Tổ chức Kế hoạch Colombo; PGS. TS. Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện; GS, TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS. TS. Vũ Mạnh Lợi, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo “Vai trò giới trong gia đình hiện đại”.
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ, cấu trúc và quan hệ giới trong gia đình có thay đổi, nhưng gia đình vẫn luôn là một thiết chế xã hội quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải thiện về các chỉ số phát triển liên quan đến giới, chỉ số vai trò của phụ nữ. Tuy nhiên, thực trạng vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn còn bất bình đẳng theo hướng bất lợi cho phụ nữ.
Do vậy, Hội thảo khoa học quốc tế "Vai trò giới trong gia đình hiện đại" là một trong những hoạt động chính thuộc khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực Khoa giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam được thực hiện trong 18 tháng, kể từ tháng 8/2019.
Sau thời gian công bố tiếp nhận báo cáo khoa học, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài viết. Trải qua quá trình phản biện độc lập, gần 40 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Trong bài phát biểu, TS. Dương Kim Anh (Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam) nhận định, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, thiếu việc làm… Phụ nữ và các thành viên gia đình phải đương đầu với những khó khăn trong việc thực hiện vai trò và chức năng gia đình.
Việc quan tâm thúc đẩy thực hiện tốt vai trò giới trong gia đình chính là thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện tốt các quy định luật pháp, chính sách quốc gia và quốc tế. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhấn mạnh, các nước cần thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ xã hội để cha mẹ có thể kết hợp tốt nghĩa vụ chăm sóc gia đình với trách nhiệm công việc ở cơ quan và tham gia đầy đủ vào đời sống cộng đồng.
Trên thực tế, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc thực hiện vai trò giới trong gia đình như sự tham gia không bình đẳng vào công việc gia đình; định kiến giới gắn phụ nữ với vai trò gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là của phụ nữ, bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, thu nhập; quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình còn hạn chế; tồn tại bạo lực trong gia đình…
“Bất bình đẳng trong thực hiện vai trò giới có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của gia đình, hạn chế tiến bộ bình đẳng giới. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cần được đào sâu thêm”, bà Dương Kim Anh nói.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế.
TS. Phan Kiều Thu cho biết, Chương trình Giới của kế hoạch Colombo rất hài lòng với kết quả đã làm việc cùng với Học viện Phụ nữ Việt Nam. Trước khi hội thảo diễn ra, đã có rất nhiều chuyên gia gửi các bài nghiên cứu khoa học với nội dung phong phú.
“Chúng tôi đã chọn lọc ra gần 40 bài để chia sẻ hôm nay. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, nam giới chia sẻ công việc nhà với phụ nữ không tỉ lệ thuận với đóng góp, tài chính của người phụ nữ ở mỗi hộ gia đình. Hiện nay, phụ nữ được đi làm là một sự tiến bộ, nhưng chị em lại thêm gánh nặng vừa làm việc nhà, vừa việc xã hội. Do đó, tôi nghĩ rằng, cần phải thay đổi nhận thức, bắt đầu từ giáo dục. Các bé trai và bé gái cần phải nhận thức được vai trò của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, TS. Phan Kiều Thu chia sẻ.
Trong bài tham luận, TS. Vũ Thị Thanh thuộc Viện Nghiên cứu con người, cho rằng, thông qua các kết quả phỏng vấn sâu với 60 phụ nữ và nam giới có tuổi đời không quá 30 ở khu vực thành thị (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu vực nông thôn (huyện Thái Thụy, Thái Bình) năm 2012-2013 cho thấy, sự ảnh hưởng lớn của quan điểm truyền thống đến suy nghĩ của giới trẻ về vai trò của người vợ.
“Thanh niên hiện nay không quá coi trọng vai trò kinh tế của người vợ nhưng họ lại rất đề cao trách nhiệm của người vợ trong việc chăm sóc gia đình, duy trì sự hòa thuận và mối quan hệ với gia đình chồng. Họ coi đó là tiêu chí của một người vợ tốt”, TS. Vũ Thị Thanh nhấn mạnh.
Hội thảo được tổ chức dưới hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, nhiều học giả từ các nước Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ, Bangladesh, Sri Lanka, …nhiều chính khách đến từ các Đại sứ quán Sri Lanka, Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Bangladesh… và đại diện các tổ chức quốc tế lớn tại Hà Nội như Oxfam, Action Aid, UN Women…
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam