Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và tiểu đường tuýp 1 được cho là xuất hiện khi  những người nhạy cảm về mặt di truyền với khả năng tự miễn dịch, gặp phải một yếu tố nào đó trong môi trường, khiến hệ miễn dịch quay lại tấn công chính cơ thể. Các nhà khoa học đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tìm ra các yếu tố di truyền làm cho con người có nguy cơ mắc bệnh, nhưng các tác nhân kích thích từ môi trường đã được chứng minh là khó xác định.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Washington ở St. Louis, Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng nhiễm vi rút có thể kích hoạt quá trình phá hủy, đỉnh điểm là tự miễn dịch rất lâu sau khi đã khỏi nhiễm trùng. Nhóm nghiên cứu đã xem xét tác động của việc nhiễm vi rút đến tế bào T, một nhóm tế bào miễn dịch quan trọng đối với các bệnh tự miễn. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi rút roseolo ở chuột lây nhiễm vào tuyến ức (cơ quan nơi các tế bào T tự hủy được xác định và loại bỏ) và làm gián đoạn quá trình sàng lọc trong cơ quan này. Nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh, chuột bị mắc bệnh tự miễn ở dạ dày là do các tế bào T tự hủy.

Nghiên cứu đã được công bố vào ngày 28/2/2022 trên Tạp chí Experimental Medicine, mô tả cách hoàn toàn mới để vi rút kích hoạt khả năng tự miễn. Ngoài ra, nghiên cứu nhấn mạnh vi rút roseolo ở người, gần giống vi rút roseolo ở chuột, cần được nghiên cứu như là những nguyên nhân gây bệnh tự miễn ở người.

Vi rút roseolo ở người thuộc họ vi rút herpes. Vi rút roseolo gây sốt phát ban ở trẻ nhỏ , cụ thể, trẻ bị sốt và phát ban trong vài ngày. Hầu hết mọi người đã bị nhiễm ít nhất một loại vi rút roseolo vào thời điểm họ bắt đầu đi học mẫu giáo. Giống như các vi rút herpes khác, vi rút roseolo gây nhiễm trùng suốt đời, mặc dù vi rút này không hoạt động và hiếm khi gây ra các triệu chứng sau lần nhiễm đầu tiên.

Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ vi rút roseolo có liên quan đến khả năng tự miễn. Nhưng tính phổ biến của vi rút này khiến cho việc nghiên cứu các kết nối đó trở nên khó khăn. Thật khó để xác định sự khác biệt giữa những người bị nhiễm và không bị nhiễm khi gần như tất cả mọi người đều bị nhiễm vi rút roseolo từ sớm.

Thay vào đó, các nhà khoa học tại Đại học Y Washington đã nghiên cứu vi rút roseolo trên chuột, một loại vi rút được phát hiện gần đây lây nhiễm vào tuyến ức và tế bào T của chuột trong tự nhiên. Nhóm nghiên cứu đã cho virút roseolo lây nhiễm vào những con chuột mới sinh. Mười hai tuần sau, tất cả số chuột này đã mắc bệnh viêm dạ dày tự miễn hoặc viêm dạ dày, mặc dù trong dạ dày của chúng không có dấu hiệu xuất hiện vi rút. Nếu vi rút được loại bỏ kịp thời bằng cách điều trị bằng thuốc kháng vi rút trong vài ngày đầu tiên, thời điểm vi rút vẫn đang nhân lên mạnh, thì chuột không bị viêm dạ dày ba tháng sau đó. Tuy nhiên, nếu các nhà nghiên cứu chờ đến khi chuột được 8 tuần tuổi mới tiêm thuốc kháng vi rút - tức là sau khi tình trạng nhiễm trùng có triệu chứng được xử lý nhưng trước khi chuột có dấu hiệu viêm dạ dày - thì thuốc sẽ không phát huy tác dụng. Những con chuột vẫn tiếp tục bị bệnh viêm dạ dày vài tuần sau đó.

Nhiễm vi rút có thể dẫn đến khả năng tự miễn, nếu một số protein của vi rút giống với protein bình thường của con người. Các kháng thể nhằm vào vi rút cuối cùng cũng phản ứng với các tế bào bình thường của người. Chuột bị viêm dạ dày đã sản sinh kháng thể chống lại các protein trên tế bào dạ dày. Tuy nhiên, chuột cũng đã tạo ra các kháng thể chống lại một loạt các protein bình thường gây ra các bệnh tự miễn dịch khác. Ngoài ra, chuột có nhiều tế bào T nhằm vào mục tiêu là các protein bình thường và những thay đổi khác đối với quần thể tế bào T, định hướng sai hệ miễn dịch đến khả năng tự miễn. Bước tiếp theo nhóm nghiên cứu sẽ xem xét quy trình tương tự ở chuột có diễn ra trên người hay không.