Nhiều người có thói quen uống cà phê, tuy nhiên cà phê có thể làm tăng lượng cholesterol ở một số người. Các nhà nghiên cứu Na Uy có thể đã tìm ra lý do để khuyến cáo một số người phải hạn chế tiêu thụ cà phê. Theo nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Open Heart, giới tính của người uống cà phê và phương pháp pha có thể giải thích mối liên hệ giữa cà phê và việc tăng cholesterol. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng các hóa chất trong cà phê làm tăng mức cholesterol.

 

Sử dụng cà phê espresso (một phương pháp rang và pha chế cà phê có nguồn gốc từ Ý) có liên quan đến sự khác biệt mức độ cholesterol lớn giữa nam và nữ, trong khi sử dụng cà phê theo cách pha bằng bình có liên quan đến mức độ cholesterol nhỏ nhất. Thông qua nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã so sánh pha chế cà phê espresso với các phương pháp pha chế khác ở người lớn từ 40 tuổi trở lên. Tất cả những người tham gia được chỉ định lượng cà phê của họ từ không tách cà phê nào đến nhiều hơn sáu tách mỗi ngày. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng thông tin về loại cà phê: phin, espresso, hòa tan…

Theo kết quả nghiên cứu, việc tiêu thụ 3 đến 5 tách cà phê espresso mỗi ngày có liên quan đáng kể đến sự gia tăng cholesterol, đặc biệt là ở nam giới. Ngoài ra, uống 6 tách cà phê phin trở lên mỗi ngày có liên quan đến việc tăng 0,11 mmol/L cholesterol ở phụ nữ, nhưng không phải ở nam giới.

Các tác giả của nghiên cứu lưu ý: "Điều thú vị là cà phê chứa hơn một nghìn chất phytochemical đa dạng. Việc hấp thụ mỗi hợp chất cũng phụ thuộc vào sự đa dạng của loài cà phê, mức độ rang, phương pháp pha và lượng thành phần". Họ kết luận: "Cà phê là chất kích thích được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Do tiêu thụ nhiều cà phê trong thời gian dài nên những ảnh hưởng sức khỏe dù nhỏ nhưng tích lũy dần cũng có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho sức khỏe”.