Công nghệ được coi là một loại hàng hoá đặc biệt, gồm kiến thức, kỹ thuật, bí quyết sản xuất, khác với máy móc, thiết bị. Do đó, quy trình đàm phán hợp đồng chuyển giao phải thực hiện chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi các bên.
Buổi tập huấn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trẻ.
Đây là nhận định của bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp – phát biểu tại buổi tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả NCKH và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ” mới diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ Trí thức Việt Nam, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN và Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu – Bộ Công Thương tổ chức.
Bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp.
Trao đổi riêng với phóng viên VietTimes, bà Vân cho biết: “Thực tế cho thấy, nhiều dự án đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ có triển vọng nhưng bị thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp này, chủ yếu là do năng lực đàm phán kém, kỹ thuật soạn thảo hợp đồng yếu nên vô tình tạo rào cản và phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ”.
Theo bà Vân, chuyển giao công nghệ là một quá trình dài và phức tạp, không phải chỉ đơn thuần mua – bán như hàng hóa thông thường. Quy trình đòi hỏi doanh nghiệp cần có đủ năng lực tiếp thu công nghệ, đồng thời phù hợp với các mục tiêu đề ra, điều kiện, hoàn cảnh và các nguồn lực hiện có.
Trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, nhiều ứng dụng được cấp bằng sáng chế đi đôi với sự gia tăng nhu cầu về năng lực đổi mới. Để hình thành sự đồng thuận giữa hai bên giao – nhận công nghệ, hợp đồng và kỹ năng đàm phán để chuyển giao là yếu tố vô cùng quan trọng.
Thuyết trình bài giảng tại buổi tập huấn, bà Khánh Vân có đề cập đến các kỹ năng đàm phán hợp đồng cho các nhà khoa học nhằm cân bằng lợi ích và quyền lợi giữa các bên liên quan. Theo bà, hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công phải đảm bảo nhiều yếu tố then chốt. Cụ thể, ngoài tính khả thi và công bằng, hợp đồng phải quy định rõ về lợi ích của cả các bên, đồng thời phù hợp với pháp luật của quốc gia thuộc bên nhận (với các đối tác nước ngoài).
Diễn giả nhấn mạnh: “Quản lý Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, nhằm kiểm soát, tăng cường năng lực công nghệ quốc gia. Đồng thời, các cơ quan quản lý tạo động lực khuyến khích, hỗ trợ phát triển chuyển giao công nghệ trên cơ sở ban hành các chính sách pháp luật, cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực…”.
TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN thuyết trình tại buổi tập huấn
Toàn cảnh buổi tập huấn
Thông qua buổi đào tạo, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ giải đáp những vướng mắc, vấn đề còn tồn đọng liên quan đến các công trình nghiên cứu khoa học nói chung. Theo đại diện Ban tổ chức, đây là buổi tập huấn cuối cùng của năm 2020, nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo cho các nhà khoa học, doanh nghiệp trẻ. Kinh nghiệm từ các diễn giả đã trang bị những kiến thức cơ bản nhất đến các lĩnh vực đáng quan tâm trong giới nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay.
Nguồn: viettimes.vn