Kinh tế Internet Việt Nam sẽ sớm đạt 43 tỷ USD. Việt Nam cũng sẽ trở thành nơi sản sinh ra những “kỳ lân” công nghệ mới của khu vực Châu Á.
Do Ventures mới đây đã công bố báo cáo về tiềm năng đầu tư công nghệ tại Việt Nam theo số liệu của năm 2019 và những tháng đầu của năm 2020. Đây là một bức tranh đưa ra cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của nền kinh tế Internet tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Do Ventures, Việt Nam được đánh giá cao bởi sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và số người sử dụng Internet. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi của người dùng Việt Nam đang thay đổi khi dần hướng nhiều hơn tới môi trường online cùng với đó là việc ngày càng phổ biến của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nguồn cung ứng dịch vụ logistic cho lĩnh vực này cũng đang tăng nhanh cùng sự xuất hiện của khoảng 40 công ty chuyển phát.
Trong năm 2019, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam thu về tới 861 triệu USD vốn đầu tư từ 123 thương vụ. Tuy vậy, sang tới đầu năm 2020, lượng tiền đầu tư vào lĩnh vực này đã giảm mạnh, chỉ còn 284 triệu USD trong Quý 1, giảm 22% so với chỉ một năm trước đó.
Việt Nam đã đón 109 nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong năm 2019. Sang tới 6 tháng đầu năm 2020, chỉ có một số lượng hạn chế các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Thay vào đó, các khoản đầu tư trong năm qua chủ yếu tới từ các công ty trong nước và những nhà đầu tư nước ngoài đã từng có thời gian làm việc tại Việt Nam.
Nhìn chung, sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ dành cho thị trường Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo khảo sát của Do Ventures, 50 quỹ đầu tư hoạt động tại 6 nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á đang hướng sự ưu tiên của mình vào Việt Nam trong 12 tháng tới, tiếp theo sau đó là Indonesia. Các lĩnh vực được nhắm đến của giới đầu tư là dịch vụ giáo dục, sức khỏe và tài chính.
Nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chọn Việt Nam bởi những cơ hội tốt hơn so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như sự thuận lợi về các yếu tố vĩ mô, nhân khẩu học, tiềm năng tăng trưởng lớn do hành vi tiêu dùng tăng nhanh và tận dụng việc định giá thấp trong mùa dịch.
Kinh tế Internet Việt Nam sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025
So với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về số người sử dụng Internet, thứ 3 về mức độ thâm nhập di động và thứ 2 về tốc độ trung bình của kết nối Internet di động.
Báo cáo cũng đánh giá cao ngành viễn thông Việt Nam khi cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã thử nghiệm thương mại 5G. Thậm chí, nhà mạng Viettel còn phát sóng thử nghiệm trạm 5G đầu tiên từ giữa năm 2019.
Sự phổ biến của Internet đã nâng tầm nền kinh tế Internet Việt Nam lên 12 tỷ USD năm 2019. Theo Do Ventures, giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2009-2012, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất khu vực có 63 triệu người dùng Internet. Đây cũng là thời điểm chứng kiến sự ra đời của các “kỳ lân” công nghệ như Tokopedia, Bukalapak, GoJek và Traveloka.
Với 64 triệu người dùng Internet, Việt Nam được đánh giá đang ở cùng một “điểm uốn” với Indonesia 7 năm về trước. Và vì thế, đây là nơi được kỳ vọng sẽ xuất hiện những “kỳ lân” công nghệ mới của khu vực ASEAN.
Theo báo cáo thì người Việt Nam đang ngày càng ưa thích sử dụng các dịch vụ trên Internet, từ di chuyển, ăn uống cho tới giải trí. Điều này được thể hiện khá rõ khi tỷ lệ thâm nhập của Internet lại Việt Nam là 66%, trong đó 50,6% dân số Việt Nam đã tham gia vào việc mua sắm trực tuyến.
Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet. Lượng hàng hóa này chiếm khoảng 5% GDP của cả nước vào năm 2019. Lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và dịch vụ gọi xe tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực.
Khảo sát của quỹ đầu tư này với 101 start-up tại Việt Nam cho thấy, phần lớn các công ty này đang thay đổi mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ của họ để thích ứng với tình hình mới do ảnh hưởng của đại dịch. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và phản xạ nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng có những suy nghĩ rất tích cực về triển vọng phục hồi sau đại dịch.
Tốc độ phát triển của thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam cũng được đánh giá cao. Trong năm 2019, lượng giao dịch mobile banking tại Việt Nam đã tăng trưởng 210% với tổng giá trị giao dịch lên tới 240 tỷ USD. Các giao dịch qua hệ thống ví điện tử của nhóm doanh nghiệp fintech cũng có mức tăng trưởng 112% với tổng giao dịch đạt 10.4 tỷ USD.
Theo báo cáo thì tới đây, mảng thị trường thanh toán toán trực tuyến tại Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, khi dịch vụ Mobile Money chính thức được triển khai với sự tham gia của các nhà mạng di động.
Nguồn: Vietbao