Với công nghệ nuôi cấy tảo cố định trên hai lớp màng – một công nghệ nuôi cấy vi tảo hoàn toàn mới trên thế giới, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã sản xuất thành công astaxanthin từ vi tảo Haematococcus pluvialis và ứng dụng để sản xuất nước giải khát giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Đây là kết quả của nhiệm vụ “Nghiên cứu sản xuất astaxanthin từ vi tảo Haematococcus pluvialis bằng công nghệ nuôi cấy cố định trên hệ thống quang sinh học màng đôi” do PGS. TS Trần Hoàng Dũng làm chủ nhiệm, thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
Hiện nay có hơn 100.000 loài vi tảo đã được xác định. Nhiều loài vi tảo đã được nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ hay chiết xuất những chất có giá trị cao như các sắc tố tự nhiên, chất chống oxy hóa, protein, lipid, vitamin và vi khoáng…để sử dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung,…Vi tảo chứa đến 30% lipid nên cũng được kỳ vọng là nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn vi tảo Haematococcus pluvialis để sản xuất astaxanthin.
Tại Việt Nam, công nghệ vi tảo đã phát triển hơn 15 năm nhưng công nghệ nuôi là hệ thống quang sinh học dạng kín. Chính vì vậy công nghệ nuôi vi tảo ở nước ta còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, các công nghệ nuôi vi tảo bằng hệ thống quang sinh học đều do các công ty lớn nắm giữ, việc học tập và tiếp thu công nghệ này sẽ tốn kém nhiều về thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó, các hướng nghiên cứu về ứng dụng vi tảo chủ yếu tập trung làm thức ăn cho thủy sản, đơn giản dễ thực hiện, tiêu thụ nhanh. Trong khi đó, để định hướng nuôi vi tảo lấy hợp chất thứ cấp làm thực phẩm chức năng sẽ gặp vướng mắc về vấn đề an toàn thực phẩm và thị trường tiêu thụ.
Trên thế giới, các cơ sở sản xuất kinh doanh astaxanthin từ vi tảo Haematococcus pluvialis có hoạt lực 100% dùng cho người theo khuyến cáo của FDA đến nay vẫn sử dụng công nghệ nuôi dịch treo với quy mô trên 1.000 lít. Với công nghệ này, thời gian nuôi cấy kéo dài trên 40 ngày/mẻ nuôi, hàm lượng astaxanthin trên 3% sinh khối khô và rất khó để thu hồi sinh khối tảo bằng ly tâm. Chưa kể, chi phí thu hồi sinh khối vi tảo khá lớn, chiếm hơn một nửa chi phí đầu tư.
Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty TNHH SX TM DV Việt Mỹ Úc (VUA BIOTECH, Địa chỉ: Xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh) để sản xuất hàng trăm ngàn chai nước giải khát thể tích 250ml/chai từ nha đam có chứa astaxanthin. Sản phẩm đã được kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, kim loại, độc tính vi nấm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn với người sử dụng.
Nhu cầu tiêu thụ các hợp chất thiên nhiên an toàn và có lợi cho sức khỏe như chất chống oxy hóa astaxanthin ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Việc sản xuất được astaxanthin tại Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất nước giải khát sẽ giúp người Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm một dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Sản phẩm nước giải khát nha đam chứa astaxanthin sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn được đánh giá là một sản phẩm đầy tiềm năng để xuất khẩu ra các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Nguồn: Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công thương, ngày 29/6/2020.