Marburg là một loại virus hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967, sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (thủ đô của Nam Tư khi đó). Ký chủ của loại virus này là loài dơi ở châu Phi - Rousettus aegyptiacus, loài dơi này tuy bị nhiễm virus nhưng lại không hề có biểu hiện bệnh. Đây là loại virus gây xuất huyết nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao.

 

Theo WHO, virus Marburg cùng họ với virus Ebola, có độc lực cao, gây sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Năm 2004, đợt bùng phát do virus Marburg đã giết chết 90% trong số 252 người nhiễm bệnh ở Angola. Năm 2022, hai trường hợp tử vong do virus Marburg được báo cáo ở Ghana. Ngày 13/2/2023, có 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg, và hơn 200 người bị cách ly ở Guinea Xích đạo.

Virus Marburg gây ra bệnh sốt xuất huyết ở người và động vật linh trưởng. Loại virus này được đánh giá rất nguy hiểm, xếp vào nhóm nguy cơ số 4 - nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng các mầm bệnh. Giống như Ebola, virus Marburg lây qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, qua đường máu, qua quan hệ tình dục hoặc trong quá trình chăm sóc y tế, hay trong phòng thí nghiệm.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg rất khó phân biệt với sốt xuất huyết thông thường. Mặc dù vậy, bệnh vẫn có một số triệu chứng điển hình để nhận biết như thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 - 21 ngày, bệnh nhân sau đó sẽ sốt cao, đau đầu dữ dội, đau nhức toàn thân, tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, đi ngoài có máu, ho, đau ngực, viêm họng. Một số người bị sợ ánh sáng, viêm kết mạc, vàng da, và hạch to.

Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỉ lệ tử vong cao, thậm chí lên đến 70 - 80%. Chính vì vậy với người mắc bệnh, đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường trở nặng, nằm một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng.

Vào ngày 14/2/2023, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về vấn đề sản xuất vaccine phòng virus Marburg (MARVAC) sau đợt bùng phát đầu tiên của loại virus này tại Guinea Xích đạo hôm 13/2/2023.

Tuy virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân không nên chủ quan, cũng như quá hoang mang, lo lắng. Người dân nên tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, vệ sinh nhà cửa và môi trường sống sạch sẽ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để phòng bệnh. Đồng thời theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống căn bệnh này.