Ngày 16-11, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.
Theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Tỷ lệ gia tăng khối lượng hằng năm: khoảng 6-10%. Khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố là 0,98 kg/người/ngày.
Theo biên bản hợp tác, CITENCO và PRO Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng dự án trong các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích cho chất thải có thể tái chế; vận động chính sách tạo cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế, cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và người thu gom rác độc lập.
Tại Lễ ký kết hợp tác, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh giới thiệu dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn". Theo đó, giai đoạn 1 dự án được thực hiện tại hai trạm trung chuyển rác Quang Trung (quận Gò Vấp) và Tống Văn Trân (quận 11). Ngoài ra, còn có các điểm thu gom khác là: Các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn; phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Dự án cũng đề ra hình thức thu gom rác thải tái chế bằng cách đổi quà (nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, phiếu quà tặng, phiếu ưu đãi mua sắm và du lịch) và đổi thành tiền theo giá thị trường.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty CITENCO cho biết: “Dự án nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững”.
Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 16/11/2020.