Rau là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Sử dụng rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của người dân không những bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất và xơ giúp tăng khả năng tiêu hóa mà còn giúp hạn chế các loại bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, gout...
Thực tế cho thấy việc sản xuất rau của khu vực miền núi phía Bắc còn rất manh mún, đặc biệt chưa có sự kết nối theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, sản xuất rau chưa tạo được sản phẩm hàng hóa có giá trị cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Hiện nay mô hình liên kết sản xuất rau theo chuỗi đã bước đầu thành công trên quy mô nhỏ. Đây là tiền để cho việc xây dựng và phát triển mạng lưới theo chuỗi trên quy mô sản xuất hàng hóa. Do đó việc kết nối các chuỗi với nhau trong sản xuất rau an toàn phát triển các vùng rau an toàn theo chuỗi giá trị cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt, dễ dàng truy xuất được nguồn gốc tạo được niềm tin và sự an tâm cho người tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, góp phần đem lại thu nhập cao, bền vững cho người sản xuất là rất rất cần thiết.
Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, rau an toàn và chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng tại Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên đảm nhiệm, là cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết người nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị tạo mẫu ban đầu về quản lý chất lượng rau an toàn, ứng dụng các công nghệ mới như nhà lưới đơn giản, hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt phát triển sản xuất các loại rau chất lượng cao, rải vụ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau quanh năm, đặc biệt là những lúc giáp hạt phù hợp với mùa vụ, chủng loại rau. Qua đó sẽ hình thành nên hệ thống tổ chức sản xuất rau đảm bảo an toàn ngay từ đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra thông qua việc giám sát tổ chức sản xuất, đồng thời đem lại thu nhập cao cho tất cả các kênh trong chuỗi giá trị sản xuất rau, đặc biệt là người nông dân giúp họ yên tâm phát triển sản xuất rau an toàn.
Mục tiêu tổng quát của đề tài là xây dựng được mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) để chuyển đổi đất trồng lúa, trồng màu, vườn tạp kém hiệu quả sang sản xuất rau theo hướng hữu cơ và rau an toàn, liên kết nông dân, doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã tiến hành đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và thực trạng về sản xuất rau tại vùng thực hiện dự án từ đó đã xác định được những thuận lợi, khó 65 khăn, mong đợi của người dân trồng rau và chính quyền địa phương. Mặt khác trong quá trình điều tra đã xác định được địa điểm, chọn được hộ tham gia thực hiện các nội dung của dự án.
- Mô hình ứng dụng TBKT sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn trên đất lúa và đất màu (sử dụng giống sạch bệnh, bón phân cân đối, sử dụng công nghệ tưới phun mưa....) với quy mô 40 ha/2 năm (2019 - 2020) tại tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên đã góp phần: tăng thêm từ 55,0% đến 73,2% thu nhập so với sản xuất đại trà, vượt so với đặt hàng (50%) từ 10,0% đến 46,4%. Trong đó mô hình ứng dụng TBKT sản xuất 5,0 ha rau cải ăn lá theo hướng hữu cơ an toàn trên đất lúa tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên năm 2020 có hiệu quả kinh tế cao nhất so với các mô hình còn lại.
- Mô hình liên kết doanh nghiệp - nhóm hộ nông dân sản xuất bí đỏ, dưa chuột và cà chua theo hướng hữu cơ kết hợp sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên đã được triển khai thực hiện thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn từ 3,3 đến 4 lần so với sản xuất đại trà đặt hàng của dự án là 3 lần. Mô hình rau được chứng nhận VietGAP và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sự liên kết giữa doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ xanh CAB; Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh) và các hộ nông dân. Sản phẩm rau được đóng gói, dán tem nhãn mác truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
- Đã triển khai lắp đặt thiết bị bao gồm: hệ thống bồn rửa, bàn sơ chế, hệ thống phân loại - sàng phân loại inox, máy litam tách nước làm khô, hệ thống đóng gói, kệ inox đựng sản phẩm và quạt thông gió cho 2 nhà xưởng sơ chế sản phẩm rau sau thu hoạch của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ xanh CAB và Công ty cổ phần đầu tư Nam Hòa Xanh, quy mô 100 m2/xưởng. Tại tất cả các địa phương xây dựng mô hình đều có bộ cơ sở dữ liệu và phần mềm về sản xuất rau phục vụ cho xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các loại rau trong phần diện tích đã cam kết tham gia mô hình của các hộ dân đều có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được chứng nhận VietGAP bởi Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguồn : Từ trang web:vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN Quốc gia