Truy xuất nguồn gốc làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trên toàn cầu…
Thông tin sản phẩm trở thành hàng hóa có giá trị
Hiện nay, cùng với kiểm định, truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt giúp nông sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn chất lượng cao. Để chứng minh hoạt động truy xuất nguồn gốc, hầu hết các doanh nghiệp lẫn người sản xuất đều phải thực hiện thông qua các loại chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ASC, BAP, ISO…
Theo nhận định từ giới chuyên gia, người sản xuất muốn cải thiện tình trạng hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có tất cả chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, thì cần phải biết nâng cao giá trị sản phẩm thêm một bậc. Đó là tạo ra thông tin đầy đủ cho sản phẩm của mình.
Các khách hàng nội địa cũng như trên thế giới hiện nay luôn tìm kiếm thông tin sản phẩm thông qua các ứng dụng và internet. Những sản phẩm nào có đầy đủ thông tin từ khâu tiền sản xuất đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Do đó, thông tin sản phẩm ngày càng trở thành hàng hóa có giá trị song song với sản phẩm. Đây cũng là cách giúp người sản xuất kết nối với doanh nghiệp phân phối và cả các kênh bán lẻ trên toàn thế giới.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK BAGICO - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, việc sử dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy thương mại là xu hướng bắt buộc và buộc phải thay đổi ngay chứ không thể từ từ vì chúng ta vốn đã chậm hơn nhiều so với thế giới.
Ví dụ như thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã làm tốt truy xuất nguồn gốc từ cách đây 15 năm. Bản thân sản xuất nội bộ Trung Quốc đã làm tốt từ lâu, đặc biệt là những vấn đề về chính phủ điện tử, thanh toán điện tử… Nếu không thay đổi, không bắt kịp xu thế, chúng ta sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Là một trong những đơn vị thực hiện cung cấp giải pháp và chịu trách nhiệm trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc, chịu quy định về truy xuất nguồn gốc, ông Lê Đại Dương – Giám đốc Công ty TNHH VN Trade cho biết, trên thực tế có nhiều đơn vị đang làm theo mảng giống như VN Trade nhưng mỗi đơn vị có một hướng khác nhau, chưa có quy định rõ ràng thống nhất về truy xuất nguồn gốc.
“Tôi cho rằng thời gian tới cần phải xác định rõ thế nào là truy xuất nguồn gốc thật, các yếu tố nào cần để thực hiện truy xuất nguồn gốc chuẩn, quy trình kiểm gia giám sát lại việc truy xuất nguồn gốc. Chính phủ cần có quy định nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng về truy xuất nguồn gốc, đánh giá lại xem đơn vị nào đang xây dựng phù hợp với quy định và có đủ năng lực xây dựng các giải pháp truy xuất nguồn gốc.
Tiếp đó là phải có quy định cụ thể về các đơn vị có năng lực kiểm tra, đánh giá về truy xuất nguồn gốc cũng như thực hiện đúng quy trình đánh giá về truy xuất nguồn gốc. Khi tất cả mọi quy định đều rõ ràng, bắt buộc mọi người làm theo, có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì lúc đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao do chất lượng đã được chứng minh. Điều này còn làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trên toàn cầu”, ông Dương nêu quan điểm.
Nguồn: VietQ.vn, ngày 8/9/2020.