Theo GlobalData, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt giá trị 93 tỉ USD trong năm 2023, tăng 12% so với năm 2022. AI là một trong những công nghệ mới nổi được mong đợi nhất vì nó có khả năng tăng tốc và tăng cường đáng kể các công nghệ khác bao gồm robot, điện toán lượng tử và IoT.
Nhiều chuyên gia dự đoán, AI sẽ tiếp tục phát triển nhảy vọt trong năm nay, mang lại ngày càng nhiều hơn cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm của AI là nâng cao năng suất lao động, khi các công cụ mới có sẵn cho phép lực lượng lao động tận dụng công nghệ này. Năm 2023 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết của AI. Nó có khả năng tạo ra các hệ thống đàm thoại được cá nhân hóa cho khách hàng trong tất cả các ngành nghề. AI cũng cung cấp cho các chuyên gia những hiểu biết tài chính cần thiết để có thể hỗ trợ khách hàng tốt hơn theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, AI sẽ mang lại cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua việc thúc đẩy tương tác với khách hàng và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng.
Trong năm 2023, AI sẽ trở thành hiện thực trong các tổ chức. AI không cần mã, với giao diện kéo và thả dễ dàng, sẽ cho phép mọi doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của nó để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông minh hơn. Thị trường bán lẻ là một minh chứng. Stitch Fix sử dụng các thuật toán hỗ trợ AI để giới thiệu quần áo phù hợp với kích cỡ và sở thích của họ cho khách hàng. Đồng thời, mua sắm và giao hàng tự động, không tiếp xúc cũng sẽ là một xu hướng lớn cho năm 2023. AI sẽ giúp người tiêu dùng thanh toán, nhận hàng hóa và dịch vụ dễ dàng hơn. Ngoài ra, AI cũng sẽ tăng cường gần như mọi công việc trong mọi quy trình kinh doanh trong các ngành công nghiệp. Nhiều nhà bán lẻ sẽ sử dụng AI để quản lý và tự động hóa các quy trình quản lý hàng tồn kho phức tạp, vì vậy các xu hướng tiện lợi sẽ ra đời. AI cũng sẽ là động cơ đằng sau các sáng kiến giao hàng tự động mới nhất mà các nhà bán lẻ đang thử nghiệm và triển khai. Ngày càng nhiều nhân viên bán lẻ sẽ cần làm quen với cách làm việc cùng với máy móc để tối ưu hóa trong công việc.
Kể từ khi ra mắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái, ChatGPT - chatbot được hỗ trợ bởi AI do OpenAI phát triển đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng trên khắp thế giới. Công cụ này đặc biệt gây ấn tượng với các chuyên gia về khả năng sáng tạo nội dung, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhưng lại dễ sử dụng. Năm 2023, ChatGPT sẽ không ngừng mở rộng và hoàn thiện với số lượng người dùng sẽ vượt mọi kỷ lục của các ứng dụng có đăng ký.
Gartner trước đây đã đánh giá AI là một công nghệ chiến lược, nhưng năm nay chứng kiến một xu hướng mới: các hệ thống AI thích ứng (adaptive AI) liên tục đào tạo lại các mô hình thông minh của chúng. Các module này có thể học trong thời gian vận hành và các môi trường phát triển ứng dụng dựa trên dữ liệu mới và do đó thích ứng nhanh chóng với các tình huống thực tế không lường trước được. Các ứng dụng AI sử dụng phản hồi theo thời gian thực để thay đổi quá trình học của của các ứng dụng một cách linh hoạt và điều chỉnh các mục tiêu.
Cũng liên quan đến AI, Gartner cho biết nhiều tổ chức chưa chuẩn bị tốt để quản lý rủi ro AI. Trong năm 2023, các tổ chức sẽ phải triển khai các khả năng mới để đảm bảo độ tin cậy của mô hình, tính bảo mật và bảo vệ dữ liệu của các mô hình AI của họ bằng cách áp dụng quản lý độ tin cậy, rủi ro và bảo mật của AI. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị kinh doanh khác nhau cùng phối hợp thực hiện các biện pháp mới. Một cuộc khảo sát của Gartner ở Hoa Kỳ, Anh và Đức cho thấy 41% tổ chức đã gặp phải sự cố bảo mật hoặc vi phạm quyền riêng tư của AI. Tuy nhiên, cũng theo cuộc khảo sát đó, các tổ chức tích cực quản lý rủi ro, quyền riêng tư và bảo mật của AI đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án AI của các tổ chức đó chuyển từ bằng chứng khái niệm (proof-of-concept) sang sản xuất và chúng đạt được nhiều giá trị kinh doanh hơn so với các dự án AI trong các tổ chức không chủ động quản lý các chức năng này.