Hội nghị quốc tế về Giới trong  khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM)

Ngày 13/11, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị quốc tế về phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM) với chủ đề “Vai trò của giới tính trong giáo dục, lãnh đạo và văn hóa” do Trường Đại học Bang Arizona (Mỹ), Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và Hội Nữ Trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức.

 

Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chào mừng

 

Tại bài phát biểu khai mạc, Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hội nghị là một hoạt động rất ý nghĩa để thúc đẩy nữ quyền, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Ngày nay, vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam đối với đất nước ngày càng được ghi nhận và đánh giá cao. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại TP.HCM, đội ngũ cán bộ nữ trong các ngành, lĩnh vực tăng về số lượng và chất lượng. Sự hiện diện, tiếng nói, quan điểm của phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tham gia hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp.

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cho biết, hiện nay, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các ngành khoa học công nghệ vẫn thấp. Tại Việt Nam có khuynh hướng thiên lệch trong các ngành nghề, nhiều ngành nghề đề cao nam giới hơn. Trong lĩnh vực STEM, trước giờ vẫn bị nam giới thống trị. Vì thế, cần sự khuyến khích nữ giới tham gia vào lĩnh vực này, nâng cao sự bình đẳng giới.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, phó trưởng khoa kỹ thuật hóa – Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết trong các ngành giáo dục, sức khỏe, nghệ thuật.. nữ giới chiếm đa số. Trong khi tỉ lệ nữ giới chỉ bằng 1/3 nam giới trong các ngành công nghệ kĩ thuật, với tỉ lệ trung bình 27%.

Tỉ lệ Nữ/Nam toàn cầu trong các lĩnh vực học thuật

Nguồn: UIS 2014-2016

Cũng theo thống kê trên, chỉ khoảng 30% nữ giới chọn các ngành học liên quan đến STEM. Lý giải điều này, một nghiên cứu của Elsevier thực hiện trong 20 năm với 70 ngành nghề cho biết các yếu tố xã hội và môi trường đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngành nghề của các bé gái và bé trai ngay từ nhỏ. Trong khi bé nam được khuyến khích tìm hiểu các ngành khoa học kỹ thuật, thì các bé gái bị hạn chế khi ưa thích học toán hay các bộ môn khoa học tư duy.

Khoảng cách Nam-Nữ trong các bậc học
Nguồn: UNESCO 2008-2014

Để cải thiện điều này, nhiều nhà nghiên cứu cho biết khuyến khích nữ giới tham gia STEM là một trong những cách nâng cao bình đẳng giới. GS.TS Lê Thị Hợp, Trưởng ban khoa học công nghệ - Hội Nữ Tri thức Việt Nam cho biết thực tế đã có nhiều phụ nữ thành đạt trong các ngành nghiên cứu khoa học, trở thành giáo sư đầu ngành dù gặp nhiều khó khăn để phát triển sự nghiệp hơn nam giới.  Phụ nữ đã có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực y tế - dược phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, …

GS.TS. Hợp cho rằng trước tiên bản thân phụ nữ phải hiểu được lợi ích khi tham gia vào lĩnh vực KH&CN, luôn đặt cho mình những kế hoạch phù hợp để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và phát triển sự nghiệp, trong đó có nghiên cứu khoa học. Cần phải cố gắng, tự tin và nỗ lực nhiều hơn nam giới.

Ngoài ra, cần làm công tác vận động ở các cấp lãnh đạo để hiểu về tầm quan trọng của STEM và có các chương trình giới thiệu STEM từ sớm để các em gái có thể mường tượng và chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích bản thân. Bên cạnh đó, cần bắt đầu từ sự hỗ trợ từ cộng đồng.

 

Thảo luận tại Hội nghị Phụ nữ trong lĩnh vực STEM

Diễn giả chụp chung với Ban Tổ chức Hội nghị phụ nữ

trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học

Một số sản phẩm của các nhà khoa học nữ - Hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam  tại Triển lãm trong khuôn khổ chương trình Hội nghị quốc tế

Ban Tổ chức của Hội Nữ trí thức Việt Nam chụp ảnh lưu niệm

Thế giới hiện nay cần có sự liên kết. Đã là phụ nữ thì cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa. Người phụ nữ hãy ra xã hội, làm việc, nghiên cứu và thật cố gắng để trở thành những người phụ nữ thành công trong KH&CN, giáo dục, lãnh đạo và văn hóa.