Hội thảo nữ trí thức với phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm thiết thực chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Chi hội nữ trí thức Bộ KH&CN phối hợp với Ban vì sự Tiến bộ phụ nữ của Bộ KH&CN và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nữ trí thức với sự phát triển kinh tế - xã hội”.

https://www.most.gov.vn/Images/editor/images/Toan%20canh(14).jpg

Toàn cảnh Hội thảo “Nữ trí thức với phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đòi hỏi phát huy ở mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó lực lượng nữ trí thức đã và đang giữ vai trò quan trọng.

Từ khi thành lập đến nay, Chi Hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã có những hoạt động thiết thực tập hợp, đoàn kết những nữ trí thức của Bộ KH&CN nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, tạo điều kiện để nữ trí thức đóng góp tích cực vào hoạt động KH&CN, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả hoạt động của Chi Hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã đóng góp vào hoạt động chung của Bộ KH&CN và Hội nữ trí thức Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nhà khoa học nữ chuyên nghiên cứu những công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao, tên tuổi của bà gắn liền với những công trình nổi bật về làm sạch dầu ô nhiễm, xử lý thuốc nhuộm, biến đất ô nhiễm dioxin thành đất canh tác nông nghiệp. Bà cũng là tác giả và đồng tác giả 16 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, công bố 150 công trình khoa học công nghệ. Đó chính là thành quả của quá trình nghiên cứu khoa học bền bỉ cháy bỏng đam mê nghiên cứu khoa học chia sẻ về “Người Việt ta không hề kém cỏi”.

PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đã chia sẻ nhiều kỷ niệm trong suốt 42 năm làm nghiên cứu khoa học của mình. Bà không chỉ chia sẻ khó khăn vất vả mà bà gặp phải trong công tác nghiên cứu, mà còn chia sẻ những “bí kíp” vươn đến thành công với cả hai vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình của mình. Theo PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà khẳng định “Người Việt ta không hề kém cỏi”. Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học, bà đã được vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2015. Mặc dù đã rất thành công trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, song với suy nghĩ của người làm khoa học, bà tiếp tục trăn trở tìm cái mới mà xã hội đang cần khi các nhà khoa học kết nối được với nhau.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe GS-TS Vũ Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công thương) chia sẻ về thành công đến từ đam mê nghiên cứu khoa học. GS-TS Vũ Thị Thu Hà đã làm chủ nhiệm 19 đề tài và tham gia 12 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và tập đoàn. Chị có 72 bài báo được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, là tác giả của 2 Bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ của Mỹ và cơ quan Sở hữu trí tuệ của Châu Âu; với 9 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; có 140 công trình khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong đó có 28 công trình được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Đã xuất bản 3 cuốn sách về chuyên môn tại các Nhà xuất bản uy tín trong nước. Chị là người sống, làm việc và cống hiến bằng tất cả đam mê trong nghiên cứu khoa học và là một trong số ít nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng danh giá Kovalepskaia khi mới 41 tuổi. GS-TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ: “Đam mê là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công. Nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian và tìm được khoảng cân bằng giữa gia đình và công việc thì con đường từ niềm say mê đến thành công có thể là hiện thực. Thành công có được như hôm nay, tôi cũng như nhiều nhà nữ khoa học khác may mắn có một "hậu phương" gia đình vững chắc”.

Thực tế cho thấy, những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Cùng với việc ghi nhận thành tích của các nhà khoa học nữ, xã hội cũng cần chia sẻ với họ những khó khăn khi chọn con đường này, bởi bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp phải trong công tác nghiên cứu khoa học, phụ nữ đôi khi phải đương đầu với những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người. Trước nhiều trở ngại còn hiện hữu, nếu nhận được chia sẻ nhiều hơn từ phía gia đình và xã hội, phụ nữ có thể đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe Ths Đinh Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giáo dục hạnh phúc cộng đồng chia sẻ về chủ đề “Làm thế nào giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con giỏi và vẫn đạt thành công trong sự nghiệp”. Đây là những kiến thức rất bổ ích để các chị em được tiếp cận một cách khoa học những kiến thức về người phụ nữ hiện đại và làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc tổ ấm của mình mà vẫn phải phát huy năng lực sáng tạo để đạt được những thành tựu trong công việc.

 

https://www.most.gov.vn/Images/editor/images/ong%20Bui%20The%20Duy.jpg

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Hội Nữ trí thức của Bộ, với nhiều hoạt động thiết thực và rất có ý nghĩa của mình. Hội Nữ trí thức của Bộ đã tập hợp được những tinh hoa – họ là những khoa học nữ, nhà quản lý nữ đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN chung. Đồng thời Thứ trưởng cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà khoa học nữ, những người phụ nữ làm công tác quản lý trong lĩnh vực KH&CN bởi đây là lĩnh vực rất khó. Điều đáng nói là, bên cạnh những công việc chuyên môn, nghiệp vụ, các chị còn hoàn thành tốt thiên chức “xây tổ ấm trong các gia đình”. Đặc biệt, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu nói riêng và Hội nữ trí thức Việt Nam nói chung đã luôn quan tâm đến hoạt động của Hội nữ trí thức Bộ KH&CN trong suốt thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn trong những Hội thảo tiếp theo do Hội nữ trí thức Bộ KH&CN tổ chức sẽ có sự tham gia nhiệt tình của nam giới để cùng lắng nghe và chia sẻ với chị em nhiều hơn nữa.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS.KH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam khẳng định: Chi hội nữ trí thức của Bộ rất giàu tiềm năng, bởi đây là nơi tập hợp được nhiều chị em trí thức. Họ là những người phụ nữ rất kiên trì, đam mê khoa học, có hậu phương vững chắc và là những con người rất mạnh mẽ. Theo bà, các nữ trí thức không chỉ cần được lắng nghe, thấu hiểu mà còn mong muốn có nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp mà họ theo đuổi. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tạo mọi điều kiện cho nữ trí thức có thể phát triển khả năng đang có của mình. Đồng thời, hội nữ trí thức của Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho Hội nữ trí thức Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động của Hội nữ trí thức Việt Nam ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.

Chi Hội nữ trí thức của Bộ sẽ không chỉ là là nơi hội tụ các chị em trí thức, học hỏi, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác cũng như trong cuộc sống, động viên, hợp tác cùng phát triển mà còn là nơi ươm tạo ra những sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả công tác quản lý, những công trình nghiên cứu khoa học và những giải pháp nâng cao tính khoa học trong công việc, đem lại lợi ích thiết thực cho Bộ KH&CN nói riêng và đất nước nói chung. Trong thời gian tới, Chi Hội nữ trí thức của Bộ KH&CN sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa như buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe và nâng cao năng lực cán bộ; tọa đàm về phụ nữ trẻ với nghiên cứu khoa học và quản lý KH&CN nhân dịp 20/10 trong Hội nghị quốc tế nữ KH&CN toàn cầu tại Hà Nội…